Xã hội

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường, khu vực sản xuất trong nước chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: nguồn NEU)

TTXVN - Sáng 11/7, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề "Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới". Kết quả tọa đàm sẽ được chuyển giao cho Ban Kinh tế Trung ương phục vụ xây dựng báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô và tham mưu các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại. Kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức.

PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: nguồn NEU)

Sáu tháng đầu năm 2023, GPD chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 - do ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 thời điểm đó). Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%. Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu, những số liệu trên cho thấy, sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường, khu vực sản xuất trong nước chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan cần có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

TS Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc chia sẻ về tổng quan kinh tế thế giới và các tác động đến Việt Nam. (Ảnh: nguồn NEU)

Nhìn nhận tổng quan kinh tế thế giới và các tác động đến Việt Nam, Tiến sĩ Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Phục hồi kinh tế toàn cầu chững lại và sẽ tiếp tục tiến triển rất chậm. Lạm phát cao, lãi suất tăng khiến người dân, doanh nghiệp, ngân hàng thích nghi với việc tiếp cận vốn đắt đỏ hơn. Trong khi đó, Việt Nam lại dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay, hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản. Các công cụ tài khóa không được sử dụng đúng mức làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái, gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng. Đầu tư công phân mảnh, không hiệu quả, không gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại.

Tiến sĩ Johnathan Picus đưa ra gợi ý xây dựng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm. Cụ thể, cần lật ngược suy giảm đầu tư công, tăng hiệu quả, tập trung, thông qua giám sát quốc gia và kế hoạch phát triển vùng; hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội phù hợp với quốc gia có thu nhập trung bình, minh bạch hoá chính sách tài khoá…

Đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm duy trì động lực tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay (giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản); sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, cần lưu ý kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%, tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung, xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Nhà nước cần có các chính sách kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm VAT cho các mặt hàng thiết yếu./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm