Xã hội

Di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi

Di cư là một hiện tượng phức tạp có mối liên hệ với các cấu trúc chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội rộng lớn cũng như gắn với các khát vọng và nguồn lực cá nhân.

Hội thảo Quốc tế: “Di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi”. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

(TTXVN)- Ngày 22/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo Quốc tế: “Di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi”. Sự kiện thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quản lý về vấn đề di cư và phát triển con người trong và ngoài nước tham dự.

Di cư là một hiện tượng phức tạp có mối liên hệ với các cấu trúc chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội rộng lớn cũng như gắn với các khát vọng và nguồn lực cá nhân. Di cư là một phần nội tại của sự biến đổi xã hội xảy ra song song và đồng thời kết hợp với các xu hướng xã hội khác như hội nhập và toàn cầu hóa, số hóa, đô thị hóa. Do đó, di cư đang góp phần định hình nên thế giới của con người. 

Tính đến năm 2022, trên toàn thế giới có 281 triệu người di cư quốc tế, chiếm 3,6% dân số toàn cầu. Người di cư đã tạo ra 702 tỷ đô la Mỹ trong dòng kiều hối quốc tế. Sự gia tăng của người di cư trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy di cư phần lớn là do những biến đổi kinh tế, xã hội, chính trị và công nghệ toàn cầu rộng lớn hơn đang ảnh hưởng đến hàng loạt các vấn đề chính sách được ưu tiên.

Khi các quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, những biến đổi này ngày càng định hình cuộc sống của chúng ta. Những thay đổi đó đang tác động đến môi trường hiện tại mà ở đó diễn ra sự di cư.

 Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu chia sẻ các kiến thức, thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu và quản lý về vấn đề di cư và phát triển con người và các biện pháp thúc đẩy, quản lý di cư vì sự phát triển con người của nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới.

Đây là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý, giáo dục xây dựng các mối quan hệ, tạo sự kết nối để mở ra những cơ hội trao đổi học thuật trong tương lai về vấn đề di cư và phát triển con người nói riêng và các hợp tác khoa học nói chung.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cho rằng, trong điều kiện thuận lợi, người di cư có những đóng góp đáng kể về kinh tế, xã hội và văn hóa cho các cộng đồng trên toàn cầu.

Di cư mở ra các thị trường và cơ hội thương mại mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó các mục tiêu của phát triển con người bởi di cư có thể đem đến cho con người những cơ hội kinh tế tốt hơn, việc làm tốt hơn, tiếp cận với giáo dục và y tế có chất lượng hơn, giúp họ thoát ra khỏi những vai trò truyền thống mà họ được trông đợi ở xã hội nơi họ rời đi…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, di cư là do quá trình đổi mới và công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đã thu hút mạnh lực lượng lao động nông thôn tự do, từ khu vực nông thôn đến các khu vực thành thị và khu công nghiệp.

Vì vậy Viện Nghiên cứu Con người, đã có nhiều nghiên cứu, tư vấn, về vấn đề di cư. Các hoạt động nghiên cứu từng bước làm rõ những vấn đề về di cư và phát triển con người, phân tích những vấn đề đặt ra đối với cuộc sống của cả người di cư và những người ở lại, những thách thức mà những nhóm yếu thế (như lao động nữ, trẻ em, cha mẹ già) phải đối mặt liên quan đến việc di cư, cũng như rủi ro tiềm ẩn từ việc di cư.

Chia sẻ về thu hút di cư lao động chất lượng cao khu vực ASEAN, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, thu hút di cư lao động chất lượng cao là nhu cầu tất yếu đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của ASEAN. Khi ASEAN càng phát triển thì tỷ lệ thu hút lao động chất lượng cao trong tổng lượng lao động nhập cư càng nhiều. Ngoài xu hướng di cư trong nội bộ ASEAN, thu hút di cư lao động chất lượng cao từ các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài khối ASEAN là xu hướng chủ yếu. 

Những xu hướng này gắn liền với sự phát triển, sự thiếu hụt lao động chất lượng cao cũng như sự gia tăng của hoạt động đầu tư và thương mại của các tập đoàn kinh tế quốc tế. Những hệ quả từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế các nước phát triển. Do đó, để thu hút lao động chất lượng cao, cần triển khai nhiều giải pháp chính sách, từ nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển thị trường khoa học công nghệ đến các chính sách liên kết, hợp tác đào tạo và thực thi các cơ chế ưu đãi gắn với nguồn lao động chất lượng cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như về di cư và phát triển con người trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi bao gồm: Những vấn đề đặt ra đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của con người liên quan tới sự di cư; thực trạng, các cơ hội và rủi ro đối với sự phát triển con người của người di cư; các vấn đề về quyền con người, an ninh con người của người di cư; đảm bảo an sinh xã hội cho người di cư; các vấn đề về bình đẳng xã hội, hòa nhập xã hội của người di cư; xu hướng, giải pháp thúc đẩy và quản lý di cư gắn với phát triển con người…/.

 

Lý Thanh Hương

Xem thêm