Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục và đào tạo chuyển biến tích cực.
TTXVN - Ngày 22/9, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường cùng các Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường nhận định, trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cần thiết. Qua đó, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ sớm ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành đề án, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng đơn vị; đưa các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Tỉnh sẽ bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp hiện đại; rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế; huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng, thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập; đồng thời, tăng cường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu về khoa học giáo dục.
Ông Ngô Chí Cường lưu ý, ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng việc đổi mới phải bắt đầu từ con người, đổi mới cách quản lý giáo dục, cách dạy, cách học phù hợp với thực tiễn; phải dạy thật, học thật, đánh giá thật; giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện từ trí tuệ, nhân cách, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Ngành cần làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển; xây dựng đội ngũ quản lý đủ về số, mạnh về chất; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm, các vụ việc nhạy cảm gây bức xúc trong giáo dục... Ngành cần thực hiện tốt công tác dạy tiếng nói, chữ viết Khmer cho đồng bào dân tộc; làm tốt việc phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông; đẩy mạnh triển khai tự chủ đối với các trường Cao đẳng, Đại học.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết 29, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt đến các cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết; đồng thời, chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các văn bản cụ thể. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động. Các ngành liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể hóa và lồng ghép vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm tại đơn vị.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết này, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 427 trường học các cấp và 1 trường Đại học Trà Vinh, 1 Trường Cao đẳng Nghề, 1 Trường Cao đẳng Y tế. Chất lượng giáo dục và đào tạo chuyển biến tích cực; hệ thống giáo dục Đại học, sau Đại học, giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Địa phương đã hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. Hiện, trên địa bàn có 106 xã, phường, thị trấn và 9 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận “Cộng đồng học tập cấp xã”, có trung tâm học tập cộng đồng. Tỷ lệ học sinh cấp Tiểu học, Trung học hoàn thành chương trình đạt trên 99%/năm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%. Trường Đại học Trà Vinh đang đào tạo 81 ngành từ bậc Cao đẳng đến Đại học, sau Đại học. Bình quân mỗi năm học, địa phương có trên 100 cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy chữ Khmer với hơn 800 lớp và 19.000 học sinh học. Riêng năm học 2022 - 2023, tỉnh có 121 trường với trên 1.000 lớp dạy chữ Khmer và hơn 28.500 học sinh.
Thực hiện Nghị quyết 29, các ngành, cấp đã xây dựng, triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Nổi bật như: Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường thông qua việc cải tạo và nâng cấp thư viện trường học theo mô hình “Mở - hiện đại - thân thiện”; “Tủ sách lớp học”; xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh Tiểu học người dân tộc thiểu số; sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học ở cấp Tiểu học; “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, ‘Đơn vị học tập”; “Nhận đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học”; “Góc học tập vì bạn nghèo”, “Ngôi nhà khăn quàng đỏ"...
Dịp này, 40 tập thể và 34 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh do có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29./.