Giáo dục

Nghệ An thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Nghệ An

Vận động giáo viên cơ hữu dạy thêm giờ; thực hiện điều chuyển, biệt phái... là những giải pháp các nhà trường, địa phương thực hiện nhằm khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay.

Nhiều địa phương thực hiện điều chuyển, biệt phái giáo viên giữa các nhà trường để phù hợp với từng môn học. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

 TTXVN - Năm học 2023 - 2024, tỉnh Nghệ An còn thiếu khoảng 6.500 giáo viên ở các cấp học để bố trí giảng dạy theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước thực tế đó, ngành Giáo dục các địa phương tại Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp tình thế, đảm bảo phương châm “có học sinh là phải có người dạy”.

Giáo viên kiêm nhiệm

Là giáo viên dạy Toán, nhiều năm nay, thầy Nguyễn Văn Nam, Trường Trung học Cơ sở Nghi Phương, huyện Nghi Lộc phải dạy kiêm nhiệm nhiều môn khác. Đặc biệt, năm học này, thầy Nam càng vất vả hơn khi vừa dạy môn Toán ở cả hai khối và dạy thêm các môn Vật Lý, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nam bày tỏ, để đảm nhiệm các môn dạy khác, thầy phải tự học hỏi, nghiên cứu giáo án, tìm hiểu thêm trên mạng và đồng nghiệp để truyền thụ kiến thức cho học sinh.

Trường Trung học Cơ sở Nghi Phương hiện có 12 giáo viên cơ hữu, đảm nhiệm các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Giáo dục công dân. Số môn học còn lại, nhà trường phải hợp đồng giáo viên (đang hợp đồng 8 người). Vì vậy, trong 20 giáo viên của trường, đa phần mỗi người đang đảm nhận 23 - 24 tiết/tuần (tăng 5 - 6 tiết/tuần) và phải dạy kiêm nhiệm nhiều môn.

Thầy giáo Nguyễn Công Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nghi Phương cho biết, trường rất vất vả khi tìm giáo viên hợp đồng. Bởi giáo viên chủ yếu đến từ thành phố Vinh hoặc thị xã Cửa Lò, lương hợp đồng chi trả không đủ để các giáo viên đi lại. Vì vậy, trường thực hiện giải pháp là hợp đồng giáo viên đã về hưu, hợp đồng thêm giáo viên dạy liên trường hoặc bố trí giáo viên dạy liên môn dù hầu hết họ đều đã dạy vượt tiết theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc các thầy, cô giáo gần như không có tiết hay buổi nào được nghỉ.

Hiện nay, Nhà trường đang bố trí giáo viên dạy trái môn học như giáo viên Toán dạy Lý… phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Riêng môn Tin học, nhà trường không tuyển dụng được giáo viên nên vận động một số thầy cô giỏi công nghệ thông tin dạy môn học này.

Không chỉ bậc Trung học Cơ sở, tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra ở bậc Mầm non và Tiểu học. Trường Tiểu học Hưng Lộc, thành phố Vinh năm học này có 42 lớp nhưng chỉ có 50 giáo viên. Giáo viên thiếu nhiều nhưng trường lại có 2 điểm trường, cách nhau khá xa nên việc bố trí thầy cô rất khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trường đã hợp đồng với gần 10 giáo viên, trong đó, có 4 giáo viên văn hóa, 3 giáo viên tiếng Anh và giáo viên Tin học. Tuy vậy, việc hợp đồng giáo viên rất khó khăn, nhất là môn Tin học. Nhà trường đã thông báo hơn một tháng nay nhưng vẫn chưa tuyển dụng được.

Thực tế cho thấy, các nhà trường gặp khó khăn khi tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều cấp học, bậc học, đặc biệt là ở bậc Mầm non, Tiểu học. Nhiều địa phương không có đủ giáo viên để bố trí đủ đứng lớp theo quy định và thiếu giáo viên ở các môn đặc thù đối với bậc Tiểu học (môn Tin học và tiếng Anh), nhất là ở các huyện miền núi. Ở bậc Trung học Cơ sở, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn. Xu hướng thiếu nhiều giáo viên ở các môn học theo Chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông năm 2018 như các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục công dân.

Thực hiện thuyên chuyển, biệt phái

Với tỷ lệ giáo viên đứng lớp như hiện nay ở các cấp học, tùy vào thực tế, mỗi địa phương khắc phục khó khăn, tìm giải pháp sắp xếp sao cho hợp lý, đảm bảo dạy học theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Nhiều địa phương đã trích kinh phí hỗ trợ các trường tuyển dụng giáo viên hợp đồng đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp.

Năm học 2023 - 2024, huyện Nghi Lộc thiếu gần 300 giáo viên ở cả ba cấp học. Với tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở bậc Mầm non đạt 1,47 giáo viên/lớp, Tiểu học mới đạt 1,1 giáo viên/lớp và Trung học Cơ sở 1,63 giáo viên/lớp, huyện thực hiện sắp xếp lại giáo viên cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết, mỗi năm, huyện cấp ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ chi trả cho các nhà trường. Phòng đã triển khai ba giải pháp là rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên; tổ chức biệt phái và cố gắng tuyển dụng giáo viên, trong đó ưu tiên cho vùng khó...

Tại huyện Yên Thành, ngoài khẩn trương tuyển dụng 394 giáo viên cho năm học tới, địa phương tiếp tục thuyên chuyển gần 100 giáo viên giữa các trường để đảm bảo điều chỉnh, cân đối và bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường. Đồng thời, huyện giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của giáo viên, nhân viên trong việc xin chuyển đến nơi công tác thuận lợi, yên tâm công tác lâu dài.

Ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, thuyên chuyển, biệt phái giáo viên, nhân viên là việc làm thường xuyên vào đầu năm học, xuất phát từ nhu cầu thực tế, đảm bảo tính hợp lý về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vị trí việc làm nhằm ổn định đội ngũ, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và giáo dục cho các trường. Theo quy định, thời hạn biệt phái giáo viên, nhân viên không quá 3 năm. Không thực hiện biệt phái giáo viên, nhân viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Các trường học miền núi thiếu trầm trọng, nhất là giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Trước tình thế đó, huyện Tương Dương tiếp tục thực hiện điều chuyển, biệt phái giáo viên giữa các nhà trường để phù hợp từng môn học.

Ông Thái Lương Thiện, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, trước mắt, Phòng bố trí giáo viên môn Tin học, Ngoại ngữ dạy liên trường, liên cấp; không bố trí những giáo viên này làm công tác chủ nhiệm, tiếp tục tham mưu với huyện bố trí kinh phí để hợp đồng thêm giáo viên đảm bảo dạy học.

Vận động giáo viên cơ hữu dạy thêm giờ; thực hiện điều chuyển, biệt phái; dạy liên trường; giáo viên kiêm nhiệm nhiều môn và không bố trí giáo viên dạy những môn còn thiếu làm công tác chủ nhiệm... là những giải pháp các nhà trường, địa phương thực hiện nhằm khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp tình thế bởi tình trạng chung hiện nay ở các địa phương là thiếu kinh phí và khó tuyển dụng được giáo viên.

Để không ảnh hưởng tới công tác tổ chức dạy học, Nghệ An đã phải tăng sĩ số học sinh/lớp, tối đa theo các quy định; thậm chí ở vùng đồng bằng, thành phố vượt trần tối đa theo quy định.

Ngành Giáo dục tích cực rà soát, sắp xếp trường lớp, dồn các điểm trường để “tiết kiệm” giáo viên. Đặc biệt, ngành đã thực hiện ký hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp giáo dục tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông tin thêm, với những môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường đã điều động giáo viên thừa thiếu cục bộ đi học văn bằng 2 hoặc đi học chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để dạy Tin học hoặc các môn Khoa học, Công nghệ, Khoa học tự nhiên. Về lâu dài, Sở mong muốn Trung ương, Bộ Nội vụ và các ban, ngành liên quan tiếp tục bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sớm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Ngành tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách riêng để khuyến khích những học sinh giỏi theo học ngành Sư phạm. Dự kiến sẽ đào tạo 1.000 sinh viên (đặt hàng đào tạo giáo viên các môn khó tuyển (như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) cho các địa phương miền núi khó tuyển dụng./.

Bích Huệ

Tin liên quan

Xem thêm