Giáo dục

Năm học mới 2023 - 2024: Tiền Giang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Trường Trung học cơ sở Thái Văn Nam (huyện Gò Công Đông) có hơn 400 học sinh ở các khối lớp nhưng trường còn thiếu 4 giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn...Trường đã nhiều lần tuyển dụng giáo viên mới nhưng hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

TTXVN - Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 400 giáo viên bậc Mầm non, 300 giáo viên bậc Tiểu học, 300 giáo viên bậc Trung học Cơ sở, 100 giáo viên bậc Trung học Phổ thông.

Tại huyện Gò Công Đông, biên chế giao ngành Giáo dục là 1.351 người. Hiện nay, số lượng biên chế là 1.219 người, khuyết 132 người; trong đó bậc Mầm non thiếu 42, Tiểu học thiếu 36, Trung học Cơ sở thiếu 54 giáo viên. Kỳ tuyển dụng năm 2023, theo thống kê, chỉ có 22 người đăng ký dự tuyển ngành Giáo dục; trong đó, Mầm non và Trung học Cơ sở mỗi bậc có 6, Tiểu học có 10 người.

Trường Trung học cơ sở Thái Văn Nam (huyện Gò Công Đông) có hơn 400 học sinh ở các khối lớp nhưng trường còn thiếu 4 giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn. Bên cạnh đó, trường còn thiếu giáo viên giảng dạy một số môn xã hội như: Địa lý, Giáo dục công dân, Lịch sử,… Trường đã nhiều lần tuyển dụng giáo viên mới nhưng hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu.

Trường Trung học Phổ thông Trương Định (thị xã Gò Công) có 39 lớp học, tuy nhiên chỉ có một giáo viên dạy môn Lịch sử, hai giáo viên nghỉ hưu thỉnh giảng. Trong khi chương trình mới, đây là môn học bắt buộc. Trường đã chủ động tìm kiếm nguồn tuyển dụng nhưng hầu như không có.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang cùng các địa phương trên địa bàn đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn cứ tiếp diễn. Với bậc Mầm non, Tiền Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút nhân lực, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của đa số Hiệu trưởng trường Mầm non, nhiều sinh viên ra trường có tư tưởng ngại khó dẫn đến mất cân đối trong nguồn tuyển. Đối với những trường ở địa bàn đô thị, nguồn tuyển dồi dào, khác hẳn với những trường ở vùng sâu, vùng xa.

Giải pháp trước mắt được các cơ sở giáo dục đưa ra là ký hợp đồng để khắc phục thiếu giáo viên. Tuy nhiên, không ít trường học không có nguồn giáo viên để hợp đồng, nhất là các trường học nằm xa khu vực trung tâm. Giải pháp tiếp theo là các trường thỉnh giảng giáo viên từ nơi khác. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi rất khó sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên. Một số trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông do chưa có hoặc chưa đủ nhân sự, không ít giáo viên phải kiêm nhiệm dạy thêm các môn chưa đúng trình độ chuyên môn.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang cho biết: Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X năm 2021 đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý cùng giáo viên các cơ sở giáo dục Mầm non công lập công tác tại các địa bàn khó tuyển dụng. Nghị quyết này về cơ bản đã giúp các địa phương bổ sung được nguồn giáo viên cho bậc Mầm non công lập. Đối với bậc học phổ thông, về lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh phối hợp với các trường đại học liên kết đào tạo nguồn giáo viên cho địa phương, đặc biệt ở các bộ môn đặc thù khó tuyển dụng trong nhiều năm qua như Lịch sử, Địa lý./.

Hữu Chí

Xem thêm