Năm học mới 2023 - 2024: Đổi mới phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng biên chế giáo viên; triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục Phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, phù hợp thực tiễn địa phương.
TTXVN - Ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần tiếp tục quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ giáo viên phù hợp; đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học; tăng cường thanh, kiểm tra, công tác thu - chi đầu năm học, tránh tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa để lạm thu trong trường học... Đây là những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 22/8.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, ngành Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong năm học mới; triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục Phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, phù hợp thực tiễn địa phương. Cùng với đó, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý dạy thêm học thêm, dạy kỹ năng sống và hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường; thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh và công tác tổ chức thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phê cho biết, với chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục và Đào tạo không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục với phương châm lấy học sinh làm trung tâm của quá trình học; triển khai tốt Chương trình giáo dục Phổ thông 2018. Đồng thời, ngành thực hiện tốt công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, 9 và lớp 12 năm học 2024 - 2025 đúng quy trình, phù hợp các tiêu chí của tỉnh; tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hưng Yên cho lớp 9, 12 theo kế hoạch.
Ngành tiếp tục đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lịch sử địa phương, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường; giám sát chặt chẽ quản lý thu - chi, xử lý nghiêm vi phạm...
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 404/521 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 80%. Ngành tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý giáo dục, phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học bước đầu có sự chuyển biến đáng kể, tạo điều kiện để khai thác thông tin trong dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,14%, tăng 0,37% so với năm 2022. Toàn tỉnh có 119 học sinh đạt điểm 10; một học sinh đạt 2 điểm 10 môn Lịch sử và Giáo dục Công dân. Em Nguyễn Mạnh Hùng, Trường Trung học Phổ thông Trưng Vương là Thủ khoa toàn quốc khối A00.
Năm học 2022 - 2023, tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học Phổ thông, Hưng Yên có 38 em đoạt giải, trong đó có 3 giải Nhì, 13 giải Ba và 22 giải Khuyến khích.
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học năm học 2022 - 2023 đã được nhận Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh./.
- Từ khóa:
- Giáo dục
- đào tạo
- Năm học mới 2023 - 2024
- Hưng Yên