Ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long đang tập trung nâng cao chất lượng, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
TTXVN - Ngày 18/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học mới.
Với chủ đề năm học 2023-2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, thời gian tới, ngành Giáo dục cần quan tâm thực hiện linh hoạt việc bố trí sắp xếp giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định, không để tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở các cấp học. Ngành cần chú trọng bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ để chủ động, linh hoạt trước yêu cầu đổi mới giáo dục.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thay đổi phương thức làm việc, giúp cho việc chia sẻ, trao đổi thông tin trong quản lý, dạy học được dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả, tiến tới xóa khoảng cách trong tiếp cận tri thức cho học sinh.
Cùng với đó, ngành Giáo dục cần đẩy mạnh phong trào thi đua, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; từng bước đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quan tâm phát triển phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt đáp ứng quyền được học tập của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Để chuẩn bị khai giảng năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương rà soát, kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phối hợp với nhà xuất bản tổ chức cung ứng sách giáo khoa, đảm bảo số lượng và chất lượng. Ngành tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, kịp thời hỗ trợ sách giáo khoa và điều kiện cần thiết khác để học sinh hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn… thuận lợi đến trường và học tập.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, năm học 2022 - 2023, toàn ngành thực hiện vượt và đạt 5 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Theo đó, 100% cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, hiệu quả, an toàn với tình hình COVID-19 và phòng, chống thiên tai. 100% cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh. Toàn tỉnh có 95% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, trong đó trên chuẩn đạt 23,9%.
Tỷ lệ đánh giá sự phát triển của trẻ theo 5 lĩnh vực phát triển chương trình giáo dục mầm non đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%. Học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Học sinh lớp 9 tốt nghiệp Trung học Cơ sở đạt 100%. Học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt 99,61%, học sinh trúng tuyển Đại học, Cao đẳng đạt 60,72%. Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2.
Tại Hội nghị, các cơ quan, doanh nghiệp đã hỗ trợ ngành Giáo dục hơn 10,8 tỷ đồng để chăm lo điều kiện học tập cho học sinh khó khăn và phục vụ hoạt động giảng dạy của ngành trong năm học mới./.