Giáo dục

Quảng Ninh: chuyển đổi cơ bản trong giáo dục đến năm 2023

Quảng Ninh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị, địa phương, cơ sở giáo dục trong tỉnh, nhất là người đứng đầu quán triệt nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị số 38-CT/TU, trong đó phải đổi mới tư duy nhận thức và thay đổi căn bản cách tiếp cận về giáo dục.

TTXVN - Ngày 20/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh họp, nghe và cho ý kiến về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trước đó, ngày 5/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU về tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục trong giai đoạn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị, địa phương, cơ sở giáo dục trong tỉnh, nhất là người đứng đầu quán triệt nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị số 38-CT/TU, trong đó phải đổi mới tư duy nhận thức và thay đổi căn bản cách tiếp cận về giáo dục.

Mục tiêu là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông; phấn đấu Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng. Chậm nhất đến năm 2030, Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng...

Từ tỉnh đến cơ sở quán triệt thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: phát triển giáo dục - đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao mọi mặt chất lượng đời sống của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”. Bên cạnh đó thực hiện khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số”.

Quảng Ninh tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới thực chất, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, xã cùng ngành Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, quản trị nhà trường. Tỉnh xác định siết chặt quản lý chất lượng giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là khâu đột phá gắn với phát triển giáo dục thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng...

Tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó tổng rà soát cán bộ, quản lý toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, thực hiện phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra”, kịp thời thay thế cán bộ quản lý giáo dục, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục hạn chế về năng lực, trình độ, giảm sút uy tín, không đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Quảng Ninh có nhiều nỗ lực, triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, quy mô giáo dục không ngừng được mở rộng, phát triển mạnh hệ thống trường lớp với chất lượng ngày càng nâng lên, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tại tỉnh đạt trên 89%; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, là một trong những địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập trung học phổ thông đứng đầu cả nước.

Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng thu hẹp. Tỉnh được công nhận đạt phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2…/.

PV

Xem thêm