Giáo dục

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Đà Nẵng

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành “Trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo”.

Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng)

TTXVN - Các trường Đại học tại Đà Nẵng đang tìm hướng đi mới trong công tác đào tạo nhân lực. Trong đó, việc hợp tác giữa các trường Đại học và doanh nghiệp trở thành một xu thế tất yếu, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thể tiếp cận điều kiện làm việc thực tế tại các doanh nghiệp, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí trong nghiên cứu khoa học, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường.

*Vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư

Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng hiện có trên 62.400 lao động; trong đó đội ngũ chuyên môn kỹ thuật bậc trung trở lên với hơn 19.900 người, chiếm 32%. Đặc biệt là với nguồn nhân lực trình độ cao từ các trường đại học đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư dự án khi đầu tư vào Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đều quan tâm đến khả năng cung ứng nguồn nhân lực đảm bảo các yêu cầu của dự án. Các doanh nghiệp chủ động làm việc trực tiếp với Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên như Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật… nhằm ký kết hợp tác, đưa ra nhu cầu tuyển dụng và hỗ trợ đào tạo nhân lực. Đây là điểm rất đáng ghi nhận cho sự liên kết nhà trường - doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Tỵ nhận định, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị thiết thực; góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành “Trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo”. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thể hiện rõ vai trò đầu mối, trung gian kết nối hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Đại học Đà Nẵng; làm cơ sở cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp với ngành nghề của hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Ban Quản lý đã thu hút các dự án ươm tạo vào Khu công nghệ cao từ các nhà khoa học, sinh viên của các trường thành viên Đại học Đà Nẵng như dự án “Xử lý, tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải”, dự án “Tảo Việt AlgaeV”…

Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một xu thế tất yếu hiện nay, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cho nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, cả trường đại học và doanh nghiệp đều nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trách nhiệm xã hội trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, các bên cần hợp tác sâu rộng hơn nữa trong việc xây dựng chương trình, nội dung hợp tác một cách phù hợp, trên cơ sở thực tiễn của mỗi doanh nghiệp, nhà trường để quan hệ hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả.

*Nâng cao chất lượng đào tạo  

Trường Đại học Bách khoa có quy mô đào tạo lĩnh vực kỹ thuật lớn nhất trong Đại học Đà Nẵng. Việc tập trung nghiên cứu khoa học, tăng cường gắn kết, mở rộng và phát triển, nâng tầm hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước được xem là giải pháp quan trọng, cần thiết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đại diện của Trường Đại học Bách khoa, trường đang triển khai mô hình “Học theo dự án - Project Based Learning (PBL)”. Bên cạnh đó, hình thức thực hiện đồ án tốt nghiệp dạng Capstone Project (CP) đã được nhà trường thực hiện trong hầu hết chương trình đào tạo. Theo hình thức này, sinh viên sẽ thực hiện chương trình "Học theo dự án" tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoặc tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu từ 4 tháng đến 6 tháng; được đồng hướng dẫn bởi giảng viên của nhà trường và kỹ sư/chuyên gia của đối tác. Nhà trường hợp tác với các doanh nghiệp mở ngành mới như Cơ khí hàng không, mở chương trình đào tạo đặc thù kết hợp với doanh nghiệp giảng dạy bằng tiếng Nhật cho ngành Công nghệ thông tin…

 

Trường Đại học Bách khoa tạo được mối liên kết chặt chẽ với rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, mang lại lợi ích cho các bên. Bên cạnh việc tiếp nhận sinh viên thực tập, đồng hướng dẫn các đề tài, các doanh nghiệp liên kết cũng đã hỗ trợ nhà trường rất nhiều trong việc hỗ trợ học bổng cho sinh viên có thành tích tốt và sinh viên thuộc diện khó khăn. Ngoài khía cạnh hỗ trợ hoạt động đào tạo, việc hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng được phát triển mạnh mẽ ở các khía cạnh cụ thể như tài trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học; hỗ trợ tinh thần đổi mới sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp; hợp tác trong nghiên cứu, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

 

Tương tự, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) - Đại học Đà Nẵng chú trọng hợp tác nhà trường - doanh nghiệp trong xây dựng, triển khai chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội.

Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học tại Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

 

Tiến sỹ Nguyễn Quang Vũ, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, VKU cho hay, hơn 100 doanh nghiệp đã cử các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, đánh giá và cải tiến cho các chương trình đào tạo của nhà trường; đồng thời nhà trường ký kết hợp tác với các doanh nghiệp triển khai chương trình đào tạo Kỹ sư tăng cường tiếng Nhật và Kỹ sư công nghệ thông tin tăng cường tiếng Hàn. Tất cả các lớp học phần cơ sở ngành và chuyên ngành đều có sự tham gia giảng dạy của chuyên gia từ các doanh nghiệp (ít nhất 1 buổi/lớp/học kỳ). Nhà trường còn triển khai xây dựng chương trình giảng viên thực tập tại doanh nghiệp hàng năm; tạo điều kiện để sinh viên có thể làm việc bán thời gian đúng với chuyên môn đào tạo; mời doanh nghiệp tham gia đồng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên.

 

Đặc biệt, Nhà trường đã triển khai mô hình doanh nghiệp bên trong nhà trường để thực hiện các dự án thực tế như xây dựng LAB nghiên cứu và đồng triển khai các dự án đặt hàng với các doanh nghiệp; triển khai dự án IT Learning Hub nhằm đào tạo, huấn luyện và tư vấn tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin với Công ty TechTown; thành lập Viện Khoa học và công nghệ số và triển khai chương trình “Ươm mầm tài năng sinh viên”, tuyển các sinh viên xuất sắc (từ năm 1 đến năm 4) để đào tạo chuyên sâu và làm các dự án.../.

 


PV

Tin liên quan

Xem thêm