Thành phố Hồ Chí Minh: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp với hơn 370.900 người đang theo học.
TTXVN - Sáng 10/9, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”. Đây là dịp người dân, công nhân lao động, doanh nghiệp và các ngành liên quan trao đổi, giải đáp những thắc mắc liên quan đến thực trạng định hướng các ngành nghề đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội và giải pháp quản lý đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh.
*Cần đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề và liên kết việc làm
Trong chương trình, người dân đặt câu hỏi liên quan đến chương trình, kế hoạch, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp Thành phố; chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ học sinh, người đang hưởng chế độ ưu đãi, người có công với cách mạng, quân nhân xuất ngũ, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, lao động nông thôn và các đối tượng chính sách xã hội khác…
Nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường nghề cũng đặt ra những vấn đề liên quan và được đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cùng các ngành, địa phương giải đáp. Nổi bật là những vấn đề về chính sách, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới và hình thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Cùng với đó là vấn đề phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; học văn hóa tại trường nghề, tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia; liên thông trình độ giáo dục nghề nghiệp...
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Chính sách HĐND Thành phố Hồ Chí Minh nói: Giáo dục nghề nghiệp là đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; có trách nhiệm, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Thành phố cần tăng cường chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để tất cả người dân tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ, đẩy mạnh việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Giáo dục nghề nghiệp cần có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập quốc tế.
Thành phố cần nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động. Trung tâm Dịch vụ dự báo đánh giá chính xác cung - cầu nhân lực trong ngắn hạn, dài hạn. Đặc biệt, cần dự báo lao động ở các khu vực chính thức, phi chính thức; xây dựng hệ thống kết nối cung cầu lao động liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.
*Đáp ứng mong mỏi của người dân
Để đảm bảo về cung - cầu, chất lượng nhân lực, ông Cao Thanh Bình cũng đề xuất Thành phố sớm ban hành các chiến lược phát triển nghề nghiệp đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo; tổ chức, sắp xếp đầu tư vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu quả.
“Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc gia, quốc tế; xây dựng các chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết và hợp tác trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đặc biệt, Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng các cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển đào tạo nghề và giải quyết việc làm chất lượng, hiệu quả”, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu rõ: Chất lượng nguồn nhân lực là một vấn đề cốt lõi giúp Thành phố phát triển bền vững. Thành phố đã và đang ban hành nhiều chương trình kế hoạch để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 87% nguồn nhân lực đã đào tạo và đến năm 2030 là 89%.
Ông Dương Anh Đức đề nghị các cấp ngành và cơ quan liên quan thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường lớp, quy hoạch cơ sở giáo dục đào tạo nghề gắn với mạng lưới giáo dục đào tạo nghề nghiệp quốc gia. Trong đó, cần xác định những khu vực ưu tiên như: Xây dựng trường cao đẳng, trung cấp phải đảm bảo quy mô diện tích, điều kiện cơ sở vật chất phù hợp, nhất là với những ngành nghề hiện đại.
Việc đào tạo cần chú trọng các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, liên quan đến công nghệ, tự động hóa, công nghệ sinh học nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược. Cần tham mưu HĐND, UBND Thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo…Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Sở Giáo dục đào tạo cần có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác phân luồng, tăng cường truyền thông để cộng đồng hiểu về giáo dục nghề nghiệp.
Các cấp ngành và cơ quan liên quan cần giải quyết việc làm, kết nối cung - cầu để người tìm việc và nhà tuyển dụng gặp nhau sớm. Cần gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan dự báo nguồn nhân lực với cơ sở dịch vụ việc làm, định hướng sớm phân luồng cho các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.
Thành phố cần xây dựng các kế hoạch cụ thể đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo; sắp xếp lại mạng lưới theo hướng tinh giản tăng cơ sở giáo dục chất lượng cao và giảm sự chồng chéo. Cùng với đó là giảm 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020; trong đó giảm 40 % các trường trung cấp công lập, nâng cao tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45 %.
Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp với hơn 370.900 người đang theo học. Trong đó, có hơn 177.100 người học cao đẳng; hơn 126.100 người học trung cấp và hơn 33.800 người học trình độ sơ cấp – đào tạo từ xa. Mỗi năm có khoảng 125.000 người học tốt nghiệp, kịp thời bổ sung cho thị trường lao động trong và ngoài Thành phố…./.