Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5: Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023
Công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra, làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế.
(TTXVN) Sáng 17/12, Hội thảo chuyên đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023” được tổ chức trong khuôn khổ Diến đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.
Mục đích của Hội thảo là trao đổi, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các kết quả, hạn chế tồn tại trong công tác giải ngân đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công; đồng thời đề xuất những giải pháp, đưa ra những kiến nghị với các cơ quan hữu qua, Chính phủ, Trung ương để khắc phục căn bản, triệt để vấn đề này trong thời gian tới, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023.
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua, chậm được khắc phục.
Theo đó, năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công cao nhất giai đoạn 2016 - 2020, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (Năm 2016 đạt 80,3%, năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%).
Cả năm 2021 đạt 77,3%. 11 tháng đầu năm 2022 vẫn chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với mức 63,86% của cùng kỳ năm 2021. Trong đó chỉ có 16 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương giải ngân đạt trên 60%.
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra, làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hiện Bộ đã gom lại các vấn đề cản trở giải ngân đầu tư công chậm, trong đó quy tụ lại 3 vấn đề. Đó là nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm tổ chức triển khai, thực hiện và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 với 39 vấn đề vướng mắc thuộc 7 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công).
Ví dụ, liên quan đến lĩnh vực đất đai, chưa quy định rõ thẩm quyền bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đi qua 2 địa phương, trong khi nhu cầu triển khai các dự án liên vùng để liên thương giữa các địa phương là rất lớn. Hay trong lĩnh vực môi trường, việc yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dù là 1m2 cũng cần rà soát lại.
"Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ, trong đó đôn đốc chủ đầu tư triển khai nhanh thi công, có khối lượng thực hiện cần ra kho bạc thanh toán ngay", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 (khoảng 140 nghìn tỷ đồng và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021). Đặc biệt, năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022, khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm.
Bên cạnh đó triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hình thức hợp tác công tư; thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công./.
- Từ khóa:
- Diễn đàn kinh tế
- 2022