Đại diện Ủy ban Chứng khoán Việt Nam đã đưa ra một loạt các giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
(TTXVN) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức, sáng 17/12 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2022, kinh tế thế giới và trong nước khó khăn hơn rất nhiều so với đánh giá, dự báo tại thời điểm cuối năm 2021. Ở thời điểm đó, không tổ chức, cá nhân nào có thể dự báo rằng lạm phát lại tăng nhanh, trở thành xu hướng lan rộng trên toàn cầu, chạm mốc cao nhất trong vòng 40 năm tại một số nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, châu Âu.
Xu hướng thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mặc dù đã được dự đoán từ trước, nhưng tần suất và mức độ thì cũng không thể dự báo. Các điều kiện thị trường trên toàn cầu biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD tăng giá mạnh nhất trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Bối cảnh tài chính thắt chặt, cùng với những biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới tạo ra những áp lực lớn lên tỷ giá, lãi suất các đồng tiền, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ có độ mở lớn như Việt Nam.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ. Điều đó được thể hiện thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.
“Sau hơn một thập kỷ tạo dựng nền tảng vĩ mô ổn định thông qua kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, những biến động vừa qua tại các thị trường cho thấy chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế, củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định đã được thiết lập trong những năm qua”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian qua, thị trường vốn đã từng bước là kênh huy động vốn trung và dài hạn, quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5% giai đoạn 2016 - 2021.
Đến cuối tháng 11/2022, quy mô của thị trường vốn đạt 105% GDP năm 2021. Trong đó, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu tương đương 64% GDP. Quy mô của thị trường trái phiếu đạt 41% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp đạt 15% GDP. Quy mô huy động vốn qua thị trường vốn giai đoạn 2011 - 2021 đạt trên 5 triệu tỷ đồng, tương đương 30% tổng mức vốn đầu tư của toàn xã hội.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong đó tập trung phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.
Theo đó, thị trường vốn và tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đã đưa ra bức tranh chung của thị trường tài chính, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Về nhận định thị trường trái phiếu, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023 - 2024. Chính phủ cần chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp này.
Về phía Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Cấn Văn Lực đề xuất, hai cơ quan này sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trước ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - chính trị trên thế giới cũng như các bước điều chỉnh chính sách trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 đã trải qua nhiều biến động, với xu hướng giảm điểm bắt đầu từ tháng 4, trong đó có những nhịp phục hồi vào tháng 5, tháng 8, cuối tháng 11 đến nay.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Việt Nam đã đưa ra một loạt các giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Ủy ban cho biết đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin của thị trường.
Về công tác giám sát, thanh tra trên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.
Ủy ban cũng cho biết đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nhằm phát triển thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp minh bạch, an toàn; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.