Bình Thuận xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện * Bài cuối: Chất lượng nông thôn mới đi vào chiều sâu
Bình Thuận coi trọng nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, phù hợp quá trình đô thị hóa.
(TTXVN) Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, để mỗi miền quê ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn, trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp nâng cao, kỳ vọng tạo bước phát triển mạnh mẽ hơn cho địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đồng thời là tỉnh có vị trí “cửa ngõ” kết nối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn phát triển đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 75/93 xã và 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, Bình Thuận có 93/93 xã và 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, cơ bản xóa nghèo (trừ hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội), hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và cải thiện rõ rệt mức sống người dân nông thôn của tỉnh.
Năm 2030, thu nhập bình quân khu vực nông thôn gấp hơn 2 lần so năm 2020, xóa nghèo (trừ hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội), không còn tình trạng tái nghèo và tiếp tục cải thiện rõ mức sống người dân nông thôn của tỉnh.
Để đạt mục tiêu đề ra, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, ông Nguyễn Hữu Phước, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiệu quả, bền vững.
Tỉnh chú trọng rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy trình, thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện một số chính sách thu hút phát triển nông nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) gắn với tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản của tỉnh Bình Thuận.
Từ khía cạnh phát triển sản xuất gắn với thế mạnh địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Ngô Minh Trang cho biết: Góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bình Thuận đang đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, đặc biệt là quảng bá giới thiệu đối với 70 sản phẩm OCOP được công nhận, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân các địa phương trong tỉnh. Đầu năm 2022 tỉnh đã đưa vào hoạt động 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được bố trí thuận tiện, có sức hút với người tiêu dùng và cả khách du lịch.
Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu rõ trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, tỉnh xác định “ba trụ cột” kinh tế cần ưu tiên phát triển là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị.
Từ định hướng chiến lược đó, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại, đối với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đẩy mạnh thực hiện theo hướng phát triển toàn diện và bền vững, làm cho đời sống của người dân nông thôn khá giả hơn, tiệm cận với khu vực đô thị.
Bình Thuận coi trọng nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, phù hợp quá trình đô thị hóa.
Tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống gắn với phát triển mạnh du lịch nông thôn, đẩy mạnh giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - đẹp.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đối với nông nghiệp, tỉnh đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp theo hướng chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất, chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái…
Liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn, đại diện ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó phát triển du lịch nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp là một giải pháp được đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo bước tiến mới cho nông thôn mới Bình Thuận.
Xuất phát từ đặc điểm Bình Thuận có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phân bổ khá đa dạng từ vùng đồng bằng ven biển đến các vùng cao tiếp giáp cao nguyên, tỉnh sẽ phát triển các loại cây trồng cạn, thích nghi điều kiện khô hạn như nhóm cây rau các loại, nhóm cây dược liệu, các cây ăn quả nhiệt đới tưới ít nước... để phục vụ thị trường tiêu dùng và từng bước gắn kết với phát triển du lịch - loại hình kinh tế tổng hợp.
Những địa bàn vùng cao như các huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc phát triển vườn cây ăn trái, cây công nghiệp, từng bước phát triển các điểm du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp... góp phần tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh./.
(Hết)