Đoàn công tác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
(TTXVN) Chiều 15/12, Đoàn công tác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; tình hình thực hiện chính sách lao động, việc làm, quan hệ lao động, tiền lương, thu nhập, bảo đảm đời sống người lao động trong các doanh nghiệp dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2023.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn khẳng định, tỉnh luôn nhận thức đúng đắn về vai trò của công nhân lao động trong các doanh nghiệp đối với sự phát triển công nghiệp. Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động, nhất là quan tâm thực hiện các chính sách đến lao động, việc làm, quan hệ lao động hài hòa, ổn định, bảo đảm đời sống người lao động. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp cũng như người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó chú trọng xây dựng, kiện toàn các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, kịp thời hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, địa bàn tỉnh hiện có trên 7.900 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm 8 doanh nghiệp nhà nước, gần 7.500 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 413 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng 76% doanh nghiệp sử dụng dưới 1.000 lao động. Đến hết ngày 16/11/2022, tỉnh có 435 doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở với 131.465 đoàn viên, bằng 52% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp.
Thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể theo từng giai đoạn và hằng năm; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện để triển khai hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về lao động, công đoàn được đẩy mạnh tại các doanh nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, thanh tra lao động tỉnh đã tiến hành thanh tra 54 doanh nghiệp, đưa ra 365 kiến nghị xử lý, ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 80 triệu đồng.
Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình tiếp nhận, sử dụng lao động là người nước ngoài, tình hình cư trú của lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện các quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở, công trình phúc lợi cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 5 dự án nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp đã đưa vào sử dụng. 4 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng khoảng 2.618 căn hộ chung cư và nhà liên kề cho công nhân. Vĩnh Phúc đang triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi tại các khu, cụm công nghiệp tập trung.
Về tình hình quan hệ lao động, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thực hiện các biện pháp giảm giờ làm, tăng số ngày nghỉ hằng tuần, bố trí lao động làm việc luân phiên, thỏa thuận cho lao động nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động.
Đối với người lao động phải ngừng việc theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp trả lương ngừng việc bằng mức lương tối thiểu vùng. Một số doanh nghiệp trả bằng tiền lương trên hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động phải ngừng việc. Mặc dù có nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng, địa bàn không phát sinh những vấn đề mới hoặc quá phức tạp về quan hệ lao động.
Về tiền lương, điều chỉnh, nâng lương, tiền lương bình quân của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay đều tăng. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38 quy định mức lượng tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, toàn tỉnh có 88,7% số doanh nghiệp báo cáo đã thực hiện nâng lương định kỳ cho 52,3% số lao động thuộc đối tượng và đủ điều kiện nâng lương theo quy định của doanh nghiệp. Trong đó, 89% doanh nghiệp đã điều chỉnh tiền lương thực hiện nâng lương định kỳ cho người lao động. Tính đến ngày 12/12/2022, toàn tỉnh có 106 doanh nghiệp sử dụng 51.151 lao động báo cáo về tình hình tiền lương năm 2022 và dự kiến thưởng Tết năm 2023 cho người lao động.
Đánh giá cao việc thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, dự báo thị trường lao động năm 2023 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, dẫn đến quan hệ lao động sẽ phức tạp hơn.
Thứ trưởng đề nghị Vĩnh Phúc cần tiếp tục nắm bắt thời cơ, thực hiện hiệu quả hơn công tác này. Trong đó, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; tạo mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động; có biện pháp bảo đảm tiền lương, tiền thưởng, nâng cao đời sống người lao động, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Tỉnh tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn; thường xuyên rà soát tình hình lao động, việc làm, dự báo những vấn đề phát sinh để có những biện pháp khắc phục kịp thời; quan tâm hơn đến doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt trong dịp Tết 2023./.