Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.
(TTXVN) Ngày 13/12, tại thành phố Huế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo lao động gắn với nhu cầu của doanh nghiệp".
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế địa phương có dấu hiệu khởi sắc. Địa phương sẽ đẩy mạnh hoàn thành các đề án, thúc đẩy hoạt động sản xuất trong năm 2023. Để đáp ứng xu thế lao động sản xuất hiện nay, nguồn nhân lực địa phương cần được cải thiện về chất lượng và khích lệ phù hợp.
Vì vậy, các cấp, ngành, doanh nghiệp cần có những chính sách hỗ trợ hấp dẫn, thông tin kịp thời nhu cầu tuyển dụng cho người lao động. Các cơ sở đào tạo nghề tập trung nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhằm hạn chế việc tái đào tạo đối với người lao động khi được nhận làm việc tại đơn vị. Các sở, ban, ngành liên quan cần khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu về sử dụng lao động giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, đại diện cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã chỉ ra những hạn chế của nguồn nhân lực tại địa phương như tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, đội ngũ lao động "chất xám" còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, tác phong cùng kỹ luật lao động bị đánh giá thấp, kỹ năng làm việc của sinh viên chưa cao…
Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay; đồng thời đề nghị tạo điều kiện cho học viên được thực tập, học việc tại doanh nghiệp; cơ sở giáo dục thu hút hợp tác chuyên gia, người có kinh nghiệm và kỹ năng cao trở thành giảng viên đào tạo.
Theo ông Trần Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế (một trong những doanh nghiệp FDI lớn tại Thừa Thiên - Huế), các cơ sở đào tạo cần bám sát thực tế hoạt động của doanh nghiệp; bổ sung các khóa đào tạo kỷ luật, tác phong làm việc, ngoại ngữ vào chương trình đào tạo.
Song song đó, doanh nghiệp phải phối hợp các cơ sở đào tạo nghề tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, khích lệ sự sáng tạo và xây dựng lộ trình nghề nghiệp đi kèm chính sách, phúc lợi hấp dẫn cho người lao động.
Các đại biểu đã thống nhất quan điểm mối quan hệ gắn kết bền vững giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tạo môi trường để nguồn nhân lực được phát triển năng lực, kỹ năng, chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng xu thế môi trường kinh doanh hiện nay./.