Theo Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đã thành công trong việc mở cửa lại thông hành quốc tế, thách thức dành cho chúng ta là tiếp tục hỗ trợ người lao động di cư.
Ngày 2/12, Tổ chức Di cư Quốc tế thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam (IOM) tổ chức cuộc họp bàn tròn cùng Ban thư ký của Nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư (MHWG) bao gồm đại diện các bộ, ban ngành hữu quan của Việt Nam nhằm trao đổi về các ưu tiên hoạt động của năm 2023, góp phần nâng cao nhận thức về di cư an toàn và khỏe mạnh thích ứng với điều kiện bình thường mới tại Việt Nam.
Trọng tâm của cuộc họp bàn tròn là báo cáo của Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế về tổng quan di cư quốc tế trong bối cảnh Việt Nam mở cửa đường biên giới từ tháng 3/2022, cùng nhiều cập nhật về triển khai thỏa Thuận toàn cầu về di cư (GCM).
Năm 2018, Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) lấy yếu tố sức khỏe là yếu tố ưu tiên xuyên suốt đã được thông qua trong hội nghị liên chính phủ với đa số các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Hưởng ứng Thỏa thuận, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai GCM năm 2020; tiếp sau đó, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5608/QĐ-BYT để triển khai GCM trong ngành y tế. Kế hoạch bao gồm nhiều can thiệp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh khủng hoảng y tế công cộng.
Với nguồn tài trợ lên tới 1,6 triệu USD từ Chính phủ Nhật Bản, IOM đã hỗ trợ quá trình mở cửa trở lại thông hành quốc tế an toàn của Chính phủ Việt Nam thông qua việc nâng cao năng lực y tế công cộng tại sáu cửa khẩu biên giới quốc tế và năm sân bay quốc tế (sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất và Phú Quốc) của Việt Nam. Ước tính có 400 cán bộ tuyến đầu, 50 cán bộ Chính phủ và 3.000 người dân ở các tỉnh biên giới được hưởng lợi từ dự án.
Cũng vào đầu năm nay, IOM đã chính thức giới thiệu Sổ tay sức khỏe cho người Việt Nam làm việc ở hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó cung cấp kiến thức cơ bản, lời khuyên và hướng dẫn đáp ứng các nhu cầu sức khỏe của lao động di cư. Cuốn sổ tay hiện đang được cung cấp miễn phí trên bản điện tử, tại địa chỉ trực tuyến: https://mhwg.org.vn/en/library/.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mi-Hyung, nhấn mạnh: “Đại dịch đã cho thấy vai trò quan trọng của người lao động di cư trong xã hội, và sự cần thiết phải có một cơ chế hiệu quả hơn để vừa bảo vệ, vừa trao quyền cho người di cư với tư cách là thành viên quan trọng trong cộng đồng của chúng ta.
Trong bối cảnh Việt Nam đã thành công trong việc mở cửa lại thông hành quốc tế, thách thức dành cho chúng ta là tiếp tục hỗ trợ người lao động di cư, đặc biệt lực lượng lao động di cư ra nước ngoài, đảm bảo rằng họ được tiếp cận với thông tin chính xác, được trao quyền để đưa ra quyết định sáng suốt và tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.”
Các thành viên tham gia cuộc họp bàn tròn cũng trao đổi về những sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động cho Nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư trong năm 2023.
IOM sẽ hợp tác chặt chẽ cùng Bộ Y tế nhằm tổng hợp những khuyến nghị cho Nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư để bảo đảm thực hiện quyền cho người lao động di cư trong điều kiện bình thường mới tại Việt Nam./.