Thực tế ở huyện Nam Đàn cho thấy, nếu không tập trung và quyết tâm cao trong lãnh đạo thì khó thành công; vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng rất quan trọng.
(TTXVN) Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là huyện đồng bằng nửa đồi núi, có 18 xã và một thị trấn; dân số trên 160.000 người. Những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh đã gây không ít khó khăn cho sự phát triển của huyện. Tuy nhiên với sự tích cực, chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều cách làm, hướng đi mới
Đặc thù của huyện Nam Đàn là xuất phát điểm thấp, nội lực huy động tại chỗ hạn chế và nhiều khó khăn khác. Vì vậy, để tìm hướng đi, khai thác tốt tiềm năng, đưa địa phương phát triển là việc không đơn giản, nếu không có tư duy và cách nhìn nhận, định hướng phát triển mới.
Một trong những hướng đi đó là huyện nỗ lực để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Bà Trần Thị Hiên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn cho biết, xác định chủ đề rõ ràng nên từ phát triển kinh tế cho đến văn hóa-xã hội huyện đều hướng đến mục tiêu này. Các di tích danh thắng được chú trọng, quan tâm hơn. Cùng với đó là thực hiện các giải pháp hướng tới khai thác, phát triển du lịch từ những vùng đất có lợi thế.
Đến nay, với sự hỗ trợ của các ngành cấp tỉnh và của huyện, một số hộ gia đình đã xây dựng mô hình homestay phục vụ khách du lịch. Ở các xã Nam Giang, Nam Anh, Nam Nghĩa hình thành được một số điểm du lịch thu hút rất đông du khách.
Sen là loại cây quen thuộc với người dân quê Bác, trở thành nét đẹp, nét văn hóa của địa phương nhưng làm sao từ sen làm ra những sản phẩm phục vụ khách du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là trăn trở của của lãnh đạo huyện. Từ đó, huyện đã có chủ trương mở rộng diện tích trồng sen và khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế chế biến sản phẩm từ sen. Đến nay, hướng đi này đã minh chứng được thành công, cây sen và sản phẩm từ sen của huyện đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Huyện Nam Đàn cũng tập trung xây dựng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Bà Trần Thị Hiên chia sẻ, trước đây khi nói đến OCOP có những chủ hộ sản xuất chưa hiểu và không muốn làm. Nguyên nhân là bao đời nay các hộ sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen và tập tục bó hẹp tại địa phương, chấp nhận có thu nhập ở mức bình thường, không chịu khó tìm tòi, đổi mới để nâng tầm sản phẩm. Lường trước những khó khăn đó, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải vào cuộc. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 57 sản phẩm OCOP, dẫn đầu cả tỉnh và vượt rất xa so với nhiều huyện khác trong tỉnh về chỉ tiêu này. 100% xã, thị trấn trong huyện đều có sản phẩm OCOP; nhiều sản phẩm OCOP đã được khách du lịch biết và tìm đến tận nơi sản xuất để tham quan, tìm hiểu và mua hàng. Đây cũng là cách để một số địa phương và các hộ dân quảng bá sản phẩm gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung xây dựng, phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trên địa bàn huyện đã có 12 mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ cao. Một số nhà lưới đang là những mô hình hấp dẫn để du khách đến trải nghiệm, vừa tham quan, tìm hiểu, vừa có thể mua sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt chất lượng cao ngay tại chỗ.
Xã Nam Anh - một xã nông nghiệp và cũng là một trong 7 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, tâm linh của huyện. Ông Nguyễn Thúc Quang - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, phù hợp với định hướng của huyện đưa ra, xã tập trung phát triển những mũi nhọn chủ yếu, trong đó có phát triển du lịch trải nghiệm. Trên địa bàn xã đã hình thành một số điểm du lịch hấp dẫn. Xã cũng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.
Làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Ở huyện Nam Đàn, tổ chức bộ máy cán bộ từ huyện đến xã, khối, xóm được chú trọng xây dựng đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức được coi trọng và duy trì thường xuyên. Hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền huyện, xã ngày càng được nâng lên. Cải cách hành chính được đẩy mạnh.
Theo Trần Thị Hiên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, huyện cũng xác định có nhiều cách làm, bước đi, một trong những cách làm đó là tăng cường đối thoại. Năm 2022, Thường trực Huyện ủy tổ chức thành công đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với toàn bộ Bí thư xóm, khối trưởng toàn huyện. Đã có gần 500 người tham dự. Thông qua đối thoại, Thường trực Huyện ủy lắng nghe, chia sẻ, giải quyết được phần nào những tâm tư, ý kiến chính đáng ở cơ sở.
Huyện cũng chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; gắn việc đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; quan tâm nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên. Trong việc xây dựng, phát triển các mô hình mới, khi đã xác định được việc cần làm, từ Thường trực cho đến Ban Thường vụ Huyện ủy đều tập trung rất cao. Năm 2022, huyện kết nạp được 202 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có 3 đảng viên là người có đạo.
Ở huyện Nam Đàn các đồng chí Thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách 2 - 3 xã. Nhờ đó nhiều vấn đề nóng, cần thiết tại địa phương, cơ sở được nắm bắt, xử lý kịp thời. Điển hình qua giao ban biết thông tin xã Hồng Long chưa có vườn chuẩn để xây dựng mô hình, một đồng chí trong Thường trực Huyện ủy đã có ý kiến, yêu cầu cán bộ huyện theo dõi, phụ trách xã đó cùng với lãnh đạo xã rà soát lại để có hướng chỉ đạo phù hợp. Sau khi được tháo gỡ vướng mắc, đến nay xã Hồng Long này đã có vườn mẫu đạt chuẩn không chỉ ở cấp huyện mà còn dự thi ở cấp tỉnh.
Thực tế ở huyện Nam Đàn cho thấy, mọi việc nếu không tập trung và quyết tâm cao trong lãnh đạo thì khó thành công; vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng rất quan trọng, nhất là người đứng đầu, cùng với đó là tính tiên phong, gương mẫu của các đảng viên.
Nhiều thành quả được minh chứng
Từ năm 2020 đến nay, kinh tế của huyện Nam Đàn tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa bình quân hàng năm đạt 7,96%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 57 triệu đồng/người/năm, tăng 25 triệu đồng so với năm 2016, dự kiến năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách tăng bình quân 8,98%/năm.
Huyện đã xây dựng thành công một số vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP; sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, năng lực sản xuất tăng và quy mô mở rộng; thu hút đầu tư được thêm nhiều doanh nghiệp lớn, không chỉ góp phần tăng thu cho ngân sách mà còn giải quyết được việc làm cho một lượng lớn lao động dôi dư tại địa phương. Các nhà máy tại các cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút trên 5.330 lao động; người lao động thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đến nay huyện đã có trên 90% số trường học đạt chuẩn quốc gia; 89% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế…
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Thị Hồng Hoa cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Huyện hoàn thành xây dựng các quy hoạch đồng bộ với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Huyện tăng cường thu hút, phát huy và quản lý có hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Cùng với đó, huyện tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp trong hệ thống chính trị và nhân dân./.