Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis nhấn mạnh, người khuyết tật cần phải được đảm bảo sự tham gia đầy đủ và bình đẳng trong mọi lĩnh vực xã hội.
(TTXVN) Hội thảo “Vai trò và đóng góp của người khuyết tật trong các Mục tiêu Phát triển bền vững” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) - ba cơ quan thực hiện dự án Đối tác của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (UNPRPD) đồng tổ chức sáng 2/12.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD), các tổ chức của/vì người khuyết tật, tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu.
Hội thảo nhằm khuyến khích các bên liên quan ghi nhận những đóng góp đặc biệt của người khuyết tật trong nỗ lực đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Khai mạc Hội thảo, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis nhấn mạnh, để thực hiện cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau, điều quan trọng là phải đảm bảo sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của xã hội.
Theo bà Pauline Tamesis, năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12). Chủ đề của năm nay là “Các giải pháp chuyển đổi để phát triển toàn diện: vai trò của đổi mới trong việc thúc đẩy một thế giới tiếp cận và bình đẳng”.
Năm nay đánh dấu năm thứ tám kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực thúc đẩy quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật.
Theo Báo cáo quốc gia mới được trình lên Ủy ban về quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật. Nhiều tòa nhà và phương tiện giao thông công cộng đã được trang bị các phương tiện tiếp cận để đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người.
Bà Tamesis nhận định: “Điều này không thể đạt được nếu không có sự cam kết và quyết tâm của chính phủ, cũng như sự tận tâm của các tổ chức đại diện cho người khuyết tật - đó là Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức của/vì người khuyết tật, các viện nghiên cứu, xã hội dân sự, cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông cũng như đối tác khu vực tư nhân”.
Tuy nhiên, bà Tamesis cho biết, việc đảm bảo các quyền của người khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Theo Báo cáo phân tích thực trạng toàn diện về quyền của người khuyết tật ở Việt Nam, được Liên hợp quốc công bố ngày 2/12, có 17,8% người khuyết tật sống trong các hộ gia đình nghèo đa chiều, so với mức trung bình toàn quốc là 10,9%. Nhiều trường học, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vẫn còn thiếu cơ sở vật chất và giáo viên được đào tạo chuyên biệt cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt trong lớp học. Nhiều công ty chưa được trang bị cơ sở vật chất và công nghệ để có thể tuyển dụng người khuyết tật trong đội ngũ nhân viên của công ty.
“Với sự hỗ trợ thích hợp, các cán bộ là người khuyết tật của chúng tôi làm việc năng suất và hiệu quả như (đôi khi hơn) các đồng nghiệp khác”, bà Ramla Khalidi chia sẻ suy nghĩ về hiệu suất làm việc của cán bộ là người khuyết tật tại UNDP.
“Chúng ta không nên coi tuyển dụng người khuyết tật là hoạt động từ thiện, cũng không phải là một đặc ân, mà là đảm bảo quyền được làm việc. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Kiến thức, kỹ năng và quan điểm của các đồng nghiệp là người khuyết tật đã mang lại giá trị lớn cho việc thiết kế và thực hiện các chương trình của chúng tôi, trong các lĩnh vực liên quan đến chính phủ điện tử hoặc thiết kế dịch vụ công lấy người dùng làm trung tâm”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.
Năm nay, dự án UNPRPD đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thái độ và xây dựng năng lực cho những người có ảnh hưởng chính sách và các nhà cung cấp dịch vụ, tư vấn về luật, chính sách thông qua nghiên cứu thực chứng; nâng cao nhận thức của cộng đồng về hòa nhập và bình đẳng cho người khuyết tật.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara nhấn mạnh: Thanh niên khuyết tật phải được hưởng các quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục, quyền tự chủ về cơ thể và sống một cuộc sống không bị phân biệt đối xử hoặc bạo lực. Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết hỗ trợ người khuyết tật hướng tới thế giới và Việt Nam tiếp cận và bình đẳng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao sự tham gia tích cực, kiên cường và những đóng góp quan trọng của cộng đồng người khuyết tật trong sự nghiệp phát triển đất nước và trên toàn cầu. Hội thảo sẽ đóng góp thúc đẩy các hành động hợp tác của các bên liên quan hướng tới một xã hội hòa nhập hơn, dễ tiếp cận hơn và không phân biệt đối xử cho người khuyết tật ở Việt Nam./.