(TTXVN) Để giúp đồng bào thoát nghèo, Lào Cai tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động
(TTXVN) Lào Cai có 10 xã nghèo nhất tỉnh còn được gọi là vùng "lõi" nghèo. Những năm qua, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững. Trong đó, khảo sát, nắm bắt nhu cầu lao động, việc làm, học nghề của người dân trong độ tuổi lao động; tư vấn, giới thiệu, đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng đang là một trong những giải pháp thiết thực của Lào Cai nhằm nâng cao thu nhập và xóa nghèo ở vùng “lõi” nghèo.
* Trao "cần câu" cho lao động khu vực "5 nhất"
Thực tế cho thấy, 10 xã nghèo nhất Lào Cai đều có điểm chung là khu vực “5 nhất”: Có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế nhất; kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Trong danh sách đó, huyện Mường Khương có tới 5 xã gồm: Tả Ngài Chồ, Dìn Chin, Tả Thàng, La Pan Tẩn và Lùng Khấu Nhin. Đây là những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, thu nhập bình quân của 5 xã này chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm.
Do thiếu việc làm, Giàng Seo Pao (sinh năm 1990, dân tộc Mông, thôn Hoàng Phì Chày, xã Tả Ngài Chồ) sang Trung Quốc làm thuê. Dịch COVID-19 bùng phát, đến tháng 3/2021, Pao trở về quê làm ruộng, chăn nuôi. Biết tin Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai vào xã giới thiệu việc làm và tuyển nhân công, Pao cùng 5 thanh niên khác trong xã đăng ký tham gia, được giới thiệu làm việc ở Hải Dương. Pao cho biết, công việc không nặng nhọc, thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/tháng nên anh xin phép công ty trở về nhà tính chuyện đưa vợ đi làm cùng, các con tạm gửi ở quê một thời gian.
Theo ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai, để tạo thêm việc làm mới cho người dân trong độ tuổi lao động ở Mường Khương, năm 2022, Trung tâm phối hợp với huyện tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm tại 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, qua đó tư vấn cho trên 300 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm. Kết quả bước đầu có 64 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh.
Đối với lao động làm việc ngoài tỉnh, vừa qua, ngày 26/11/2022, huyện Mường Khương đã ký kết Quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam (Quảng Ninh) đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động giai đoạn 2022-2025. Trước đó, từ năm 2018 đến năm 2021, huyện có 53 lao động tốt nghiệp Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam và làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Nhiều công nhân từ các xã nghèo nhất của huyện, làm việc tại Tập đoàn có thu nhập trung bình khoảng 18-25 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động khác có mức thu nhập hơn 250 triệu đồng mỗi năm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện đồng bộ "Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 đối với 10 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai", không chỉ tại Mường Khương, tỷ lệ lao động có việc làm tại nhiều địa bàn của tỉnh đều tăng cao. Tỷ lệ lao động học nghề có việc làm sau khi ra trường luôn đạt trên 80%, trong đó những nghề trọng điểm đạt trên 90%. Tỷ lệ lao động có việc làm tại khu vực chính thức tăng dần, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại 10 xã "lõi" nghèo của Lào Cai là trên 18,5%, giảm xấp xỉ 11% (tương đương 620 hộ) so với đầu năm 2021, đạt và vượt 133% so với mục tiêu kế hoạch.
* "Chìa khóa" giảm nghèo bền vững
Năm 2022, Lào Cai đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường trong tỉnh lên 32% vào năm 2025; tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2025 tối thiểu là 6%/năm; giảm tỷ lệ thanh niên không đi học, không được đào tạo đến năm 2030 là dưới 5%, người không có việc làm dưới 3,5%… Lào Cai sẽ hỗ trợ phát triển cung-cầu lao động thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trước khi tham gia thị trường lao động.
Để đạt được mục tiêu đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và hành động của cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình, nhân dân về học nghề, tìm kiếm việc làm theo phương châm "thấm từng nhà-ngấm từng đối tượng”, coi việc có thu nhập ổn định cho người lao động là "chìa khóa" giúp thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững ở các địa phương.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai Trương Hồng Trường cho biết, riêng năm 2022, tại 10 xã "lõi" nghèo, Trung tâm tổ chức 12 phiên giao dịch với 550 lao động tham gia. Kết quả bước đầu, trong 11 tháng năm 2022, Trung tâm đã phối hợp đưa được 92 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ở Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương.
Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, như đưa tin trên truyền hình, loa phát thanh, cổng thông tin điện tử, quảng cáo nơi công cộng hay mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để người lao động biết thông tin chính xác đăng ký quay lại thị trường lao động làm việc; đồng thời ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về tuyển dụng lao động, tránh thiệt hại cho người lao động.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai Đinh Văn Thơ, thời gian tới, địa phương tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số (nhất là ở 10 xã nghèo nhất); gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ dự án phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương; bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Lào Cai đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.