Pháp luật

Điều tra bổ sung vụ “rút ruột” hàng tỷ đồng của Vinalines và MMS

Hà Nội

Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để làm rõ động cơ mục đích của các bị cáo về việc lập hợp đồng khống và cho rằng cần xác định việc này có gây thiệt hại không.

TTXVN - Ngày 16/2, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo: Nguyễn Quang Ngữ (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Hàng hải - viết tắt là MMS), Phạm Thế Tài (sinh năm 1975, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Tài chính kế toán, MMS) và Nguyễn Thị Tươi (sinh năm 1979, cựu Phó giám đốc, kiêm Trưởng Văn phòng Hà Nội thuộc MMS) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Công ty xuất khẩu lao động Hàng hải (MMS) trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). MMS là doanh nghiệp Nhà nước, hạch toán phụ thuộc, có tư cách pháp nhân không đầy đủ, được phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu tiền dịch vụ, tiền môi giới và tiền ký quỹ của người lao động.

Tháng 9/2021, bị cáo Nguyễn Quang Ngữ được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc MMS. Cùng với đó, Tổng Giám đốc Vinalines ủy quyền cho MMS thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thu tiền dịch vụ, tiền môi giới và tiền ký quỹ của người lao động để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Cáo trạng xác định, từ tháng 6/2014 - tháng 3/2017, MMS đã thu phí môi giới đưa 539 thực tập sinh sang lao động tại Nhật Bản với mức 1.500 USD/người. Tổng số tiền thu là hơn 17 tỷ đồng. Trên thực tế, MMS chỉ thu về 400 USD/người, số tiền còn lại là 1.100 USD/người do Văn phòng Hà Nội sử dụng.

Theo Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, chi phí vé máy bay khứ hồi cho thực tập sinh tới Nhật Bản và trở về Việt Nam sau khi hoàn thành hợp đồng do phía tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản chi trả.

Mặc dù biết rõ MMS không phải chi trả tiền vé máy bay cho thực tập sinh đi lao động tại Nhật Bản nhưng để hợp thức hóa số tiền 1.100 USD/người, bị cáo Ngữ đã thống nhất với Phạm Thế Tài, Nguyễn Thị Tươi đưa chi phí vé máy bay cho thực tập sinh với số tiền hơn 5 tỷ đồng vào hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của MMS.

Theo quy định, việc thu tiền của thực tập sinh và chuyển về MMS phải qua tài khoản công ty mở tại ngân hàng, nhưng bà Tươi đã chỉ đạo nhân viên chuyển tiền vào 2 tài khoản cá nhân của Phạm Thế Tài, dẫn đến bị thất thoát hơn 4,1 tỷ đồng, gây thiệt hại cho tài sản của Vinalines và MMS.

Cáo buộc cho rằng, các bị cáo Ngữ, Tài, Tươi đã thu tiền của 1.129 thực tập sinh với tổng số hơn 23 tỷ đồng. MMS đã hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán số tiền trên và xác định Văn phòng Hà Nội đã nộp về MMS hơn 17 tỷ đồng, còn lại chưa nộp hơn 5,3 tỷ đồng và bà Tươi phải chịu trách nhiệm về số tiền này.

Cơ quan tố tụng xác định, với chức vụ là giám đốc MMS, bị cáo Ngữ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký hợp đồng giao khoán với Nguyễn Thị Tươi, không báo cáo với Vinalines, thống nhất với Phạm Thế Tài đưa chi phí vé máy bay cho thực tập sinh vào hạch toán sai quy định, buông lỏng quản lý để Tươi và Tài không nộp đủ tiền về quỹ của MMS, gây thiệt hại hơn 12,3 tỷ đồng cho Vinalines và MMS.

Tại phiên tòa, sau khi xem xét, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để làm rõ động cơ mục đích của các bị cáo về việc lập hợp đồng khống và cho rằng cần xác định việc này có gây thiệt hại không.

Trước đó, hồi đầu tháng 1, vụ án này cũng đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên khi đó, Tòa án cũng cho rằng, cần thiết phải điều tra, xác minh thêm một số tình tiết mà tại phiên tòa không thể làm rõ được nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung./.

Kim Anh

Xem thêm