Định hướng nghề nghiệp - Hướng đến tương lai *Bài 2: Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề, kỹ năng mới
Đào tạo ngành nghề, kỹ năng mới mở ra các hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai của học sinh, sinh viên.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; trong đó có đào tạo các ngành nghề, kỹ năng mới. Điều này giúp mở ra các hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai của học sinh, sinh viên.
* Thay đổi chương trình đào tạo thích ứng với yêu cầu xã hội
Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cả nước hiện có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Năm 2023, tuyển sinh học nghề đạt gần 2,3 triệu người; tốt nghiệp đạt trên 2 triệu người, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện việc phân luồng đã được thực hiện tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn.
Ngành Giáo dục nghề nghiệp đề ra chỉ tiêu năm 2024 tuyển sinh đạt hơn 2,43 triệu người, trong đó, tuyển sinh chính quy cho các trường cao đẳng, trung cấp đạt 530.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người. Số người tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp sẽ đạt hơn 2,1 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 346.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,8 triệu người.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng đây cũng là một thách thức đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Bởi, dù nhận thức của xã hội đã thay đổi nhưng hiện nay nhiều gia đình vẫn mong muốn con em được học các ngành nghề có chứng chỉ, bằng cấp cao, nghĩa là vấn hướng tới học đại học trở lên. Đây là mong muốn chính đáng, tuy nhiên, nếu xét về sự phát triển của nền kinh tế, xã hội lại cần nhiều đến lực lượng lao động có bằng cấp từ cao đẳng trở xuống (khoảng 75%). Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội.
Cũng theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã có các môn hướng nghiệp tích hợp ngay từ cấp tiểu học, trung học cơ sở cho học sinh. Tuy nhiên, rất cần một hệ thống bài bản từ tổ chức bộ máy, tổ chức thực hiện không chỉ trong các trường mà còn cần huy động trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tham gia hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em định vị, lựa chọn sớm được con đường nghề nghiệp của bản thân. Bên cạnh đó, cái đích cuối cùng của hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng là đào tạo kiến thức, kỹ năng, trình độ, thái độ để học sinh, sinh viên sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc. Do đó, rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp ngay từ khi hướng nghiệp, sau đó đến quá trình đào tạo trong trường lớp, tạo việc làm, hỗ trợ cho người lao động, học sinh, sinh viên sau khi ra trường tiếp tục được cập nhật, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức để phù hợp với công nghệ mới, cũng như yêu cầu của các cuộc cách mạng công nghiệp và những thay đổi trong tương lai.
Do đó, các trường phải chủ động tìm kiếm những ngành nghề mới, xu hướng mới, chủ động trong việc thay đổi chương trình đào tạo thích ứng với doanh nghiệp, phương pháp đào tạo, đặc biệt áp dụng chuyển đổi số để việc đào tạo thuận tiện hơn cho tất cả các đối tượng từ các em học sinh đến người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, các đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt như: người yếu thế, khuyết tật, vùng sâu, vùng xa...
* Hướng đến an sinh xã hội và việc làm bền vững
Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã ban hành văn bản số 351 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề, kỹ năng mới. Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề, kỹ năng mới gồm trí tuệ nhân tạo, chip bán dần, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logicstics...
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đánh giá việc tổ chức đào tạo, liên kết tổ chức đào tạo ngành nghề, kỹ năng mới; đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề, kỹ năng mới, đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi, phát triển kinh tế.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định: Chúng ta đang đứng trong thời đại công nghệ phát triển một cách rất nhanh chóng. Điều này đã được Đảng, Chính phủ nhận định từ rất sớm, thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về chuyển đổi số trong nền kinh tế, xây dựng kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Các công nghệ mới mới nổi cũng được xác định và định vị. Điển hình như: Công nghệ bán dẫn, đào tạo xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, như phát triển các loại hình đường sắt cao tốc, nông nghiệp chất lượng cao. Có thể nói, nhu cầu phát triển các ngành nghề mới, các kỹ năng mới là một nhu cầu bức thiết. Với sự chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều giải pháp để chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu này.
Ngày 4/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ việc tập trung vào các ngành nghề mới, ngành nghề thế mạnh của Việt Nam. Để triển khai chủ trương này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xác định, cập nhật các kiến thức, kỹ năng, phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo.
Cùng đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu, bổ sung danh mục ngành nghề mới đào tạo cấp 4 để làm cơ sở để xây dựng các nội dung đào tạo; rà soát, chỉnh sửa lại kiến thức chuẩn, kiến thức kỹ năng tối thiểu với các ngành nghề có liên quan. Đơn vị cũng cập nhật yêu cầu của ngành công nghiệp trong tương lai, làm cơ sở để các trường ban hành chuẩn đầu ra, cũng như xây dựng chương trình đào tạo. Bên cạnh việc đào tạo tại trường lớp, cũng cần quan tâm đến khối người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Đối với các ngành nghề mới có thể đào tạo lại từ đầu nhưng có rất nhiều ngành nghề cũ, người lao động đang làm việc ở các ngành nghề cũ, chỉ cần bổ sung, cập nhật kiến thức là có thể huy động được một lực lượng lao động lớn phục vụ cho các ngành nghề kỹ năng mới. Vì vậy, ngành tích cực phối hợp với doanh nghiệp để huy động được sự tham gia của họ trong việc xây dựng chính sách, cũng như đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động hiện có.
Giải pháp tiếp theo ngành đề ra là đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức quốc tế để có thể tiếp thu được kinh nghiệm những việc họ đã làm, "đi tắt đón đầu" để chỉ đạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển. Điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không những của Nhà nước mà còn của xã hội. Các gia đình cũng như học sinh, sinh viên cũng cần xác định rõ xu thế, năng lực của bản thân để lựa chọn, bởi nghề nghiệp sẽ gắn với cả cuộc đời các em. Các trường nên hướng đến quyền, lợi ích của người dân, vì mong muốn cuối cùng là việc làm, an sinh xã hội và việc làm bền vững./.