Tỉnh Hòa Bình đề xuất, kiến nghị một số nội dung về Luật đất đai (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh cần quy định rõ phương pháp xác định giá đất, thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý đất đai.
TTXVN - Chiều 4/11, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình. Các đại biểu trong Đoàn công tác đã thảo luận, giải đáp các kiến nghị của tỉnh Hòa Bình, đồng thời định hướng một số giải pháp thực hiện tốt hơn công tác quản lý tài nguyên và môi trường tại địa phương.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long khẳng định, Hòa Bình hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và các bộ, ngành trong thời gian tới. Để làm tốt hơn nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 và thời gian tiếp theo, tỉnh Hòa Bình đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác một số nội dung về Luật đất đai (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh cần quy định rõ phương pháp xác định giá đất, thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý đất đai. Tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 của tỉnh; có hướng dẫn cụ thể về thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sau khi được điều chỉnh ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng; trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với trường hợp dự án khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, sử dụng đất đa mục đích; đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đối với đất san, lấp…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, tính đến hết tháng 9/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 0,15% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt trên 2.600 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.225 triệu USD; có 32 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng; 320 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.200 tỷ đồng; công tác đảm bảo an sinh xã hội đạt nhiều kết quả khá...
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả, toàn diện các công tác: cải cách hành chính; quản lý đất đai; khoáng sản; bảo vệ môi trường; tài nguyên nước và khí tượng; công tác đo đạc, bản đồ và viễn thám... Trong 9 tháng qua, tỉnh đã ban hành 33 quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất và cho thuê đất với tổng diện tích hơn 160ha; thực hiện xác định giá đất cụ thể cho 43 dự án với tổng diện tích trên 260ha; rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý 16 dự án, công trình sử dụng đất chậm tiến độ; bổ sung quy hoạch 44 điểm mỏ; xử phạt vi phạm hành chính đối với 69 mỏ khai thác khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 28 dự án, cấp giấy phép môi trường cho 21 dự án, cơ sở; tham gia 30 ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi... Cũng trong 9 tháng, tỉnh đã thực hiện đăng ký vào sổ cấp giấy chứng nhận cho 52.371 tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp đổi 3.703 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh ghi nhận những kết quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình đạt được trong 9 tháng năm 2023; đồng thời thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hòa Bình quan tâm đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; quan tâm bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề xử lý rác thải, nước thải; tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; làm tốt công tác quản lý khoáng sản…
Trong chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Hòa Bình, Đoàn công tác đã đến dâng hương tại tượng đài Bác Hồ; kiểm tra tình hình thực hiện Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng. Dự án Nhà máy thủy điện Hoà Bình mở rộng được khởi công tháng 1/2021, gồm 2 tổ máy công suất mỗi tổ 240MW với sản lượng điện 495 triệu kWh. Do sạt sụt hố móng nhà máy nên công trình phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2021 và được phép triển khai thi công trở lại vào tháng 9/2022./.