Doanh nghiệp chủ động kiểm kê khí nhà kính để nâng cao giá trị thương hiệu
Phát triển bền vững môi trường, xã hội và quản trị không chỉ là một xu hướng mà là một cam kết.
Ngày 11/12, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Sihub) phối hợp Công ty QMS Việt Nam (chuyên về chứng nhận và tư vấn quản lý chất lượng, phát triển bền vững) tổ chức Hội thảo “Phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững - Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp”.
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin và giải pháp cho các doanh nghiệp trước yêu cầu kiểm kê phát thải khí nhà kính theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; đồng thời đáp ứng xu thế kinh tế xanh và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Tiến sỹ Hà Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty QMS Việt Nam, tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, việc quan tâm đến tiêu chuẩn quản lý chất lượng (ISO) cũng như phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) chưa đúng mức. Hầu hết chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đến tiêu chuẩn quản lý chất lượng và phát triển bền vững, trong khi nhân viên không chú ý tới.
Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, có 2.166 cơ sở thuộc 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo trước ngày 31/3/2025. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Tuân, chuyên gia hỗ trợ đổi mới công nghệ của Sihub cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực để tiến tới mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero). Do vậy, doanh nghiệp không nằm trong quy định cũng nên kiểm kê khí nhà kính và thực hiện ESG bởi chúng ta không chỉ thực hiện pháp lý mà còn là trách nhiệm với xã hội.
Cùng quan điểm này, theo chuyên gia môi trường Lê Anh Dũng, Giám đốc kỹ thuật Công ty QMS Việt Nam, hoạt động thẩm tra, thẩm định báo cáo khí nhà kính có ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp, giúp đơn vị có báo cáo khí nhà kính đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan (pháp luật, khách hàng...). Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng uy tín doanh nghiệp, đây là dữ liệu tin cậy cho việc đặt mục tiêu và kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính trong tương lai.
Theo các chuyên gia, ESG không chỉ là một xu hướng mà là một cam kết. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, qua việc áp dụng tư duy tăng trưởng lợi nhuận cùng với trách nhiệm cho môi trường và xã hội.
Để xây dựng hệ thống quản lý theo ESG, chuyên gia cho rằng cần xác định tầm nhìn, cam kết của doanh nghiệp về phát triển bền vững và chỉ định lãnh đạo cao cấp phụ trách hệ thống. Doanh nghiệp cần tích hợp ESG vào văn hóa công ty, khuyến khích mọi người trong tổ chức tham gia và hiểu rõ ESG là một phần quan trọng của chiến lược dài hạn./.