Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc thời đại Hùng Vương, năm 2018, UBND thành phố Việt Trì đã tổ chức khôi phục Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa sau thời gian nghiên cứu toàn diện, có hệ thống về lịch sử, phong tục truyền thống.
Đầu Xuân Ất Tỵ, các lễ hội đã được khai hội tại các địa phương tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động lực thi đua phát triển kinh tế - xã hội.
* Độc đáo Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa ở Phú Thọ
Ngày 12/2 (tức 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa đã diễn ra tại đàn Tịch Điền (phường Minh Nông, thành phố Việt Trì). Đây là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương; đồng thời tri ân công lao to lớn của các vua Hùng đã có công khai sáng nghề nông trong buổi đầu dựng nước.
Truyền thuyết thờ Hùng Vương kể rằng, xưa kia nhân dân chưa biết cày, cấy làm ra thóc gạo mà chỉ sống dựa vào rễ cây, rau dại, thịt thú rừng. Thấy vùng đất ven sông sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ mới hướng dẫn người dân tìm cách đắp bờ giữ nước. Một hôm, các con gái vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị Nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng cho là điềm lành liền bảo các Mị Nương ra bãi tuốt các bông lúa đó mang về.
Mùa Xuân, vua Hùng cùng con dân mang các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên vua Hùng đã nhổ mạ lên, đem tới những tràn ruộng, lội xuống cấy để hướng dẫn người dân. Các Mị Nương và nhân dân thấy vậy cùng làm theo.
Đời sau, nhân dân nhớ công ơn vua Hùng đã tôn làm ông tổ nghề nông, dựng đàn Tịch Điền quay lưng về hướng Tây Nam ngay trên mỏm đất vua Hùng ngồi khi dạy dân cấy lúa, đặt kho lương thực trên đồi Lúa, để rạ ở đồi Rơm, đặt tên chợ là Chợ Lú.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc thời đại Hùng Vương, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, năm 2018, UBND thành phố Việt Trì đã tổ chức khôi phục Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa sau thời gian nghiên cứu toàn diện, có hệ thống về lịch sử, phong tục truyền thống.
Ông Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND phường Minh Nông cho biết, Lễ hội gồm 2 phần. Phần lễ với các nghi thức như: Cáo yết, cúng Thần Nông, hoạt động tế lễ, đặc biệt là phần tái diễn “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường Minh Nông cùng nhân dân tiến hành đầy đủ, trang nghiêm. Phần hội gồm hoạt động thi cấy lúa của các đội và trò chơi dân gian với sự tham gia của người dân, du khách thập phương.
Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc trên địa bàn thành phố Việt Trì. Các nghi thức lễ hội xuống đồng tiêu biểu của nghề nông được tái hiện nhằm tôn vinh tinh thần cần cù trong lao động, sáng tạo trong cuộc sống của nhân dân đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng trong cuộc sống người dân kinh đô Văn Lang xưa. Từ đó, Phú Thọ xây dựng, quy hoạch sử dụng đất canh tác, bảo tồn một số giống lúa truyền thống để gây dựng thành sản phẩm thương mại nông nghiệp phục vụ du lịch, dịch vụ. Đây cũng là cơ sở để sưu tầm, bổ sung hiện vật quý như “hạt lúa thần” tại khu vực làng Lú, phường Minh Nông…
* Quảng Ninh: Khai mạc lễ hội Mở cửa biển xã Thanh Lân lần thứ II năm 2025
Ngày 12/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), lễ hội Mở cửa biển xã Thanh Lân lần thứ II năm 2025 đã chính thức khai mạc tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô (Quảng Ninh).
Trước đó ngày 11/2 đã diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, cuộc thi bánh dân gian “Hương vị biển đảo”, các hoạt động kích cầu cho du lịch đặc sắc phục vụ nhân dân và du khách. Qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động lực thi đua phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND xã Thanh Lân Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ, lễ hội Mở cửa biển nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như nghi thức mang đậm tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển; góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đồng thời tạo động lực, khí thế cho một năm mới hăng say lao động, sản xuất.
Lễ hội Mở cửa biển Thanh Lân năm nay kế thừa thành công của lễ hội lần thứ nhất năm 2024, tiến tới hình thành sản phẩm hỗ trợ các hoạt động du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người xã đảo tiền tiêu đến du khách. Qua đó, cầu mong quốc thái dân an, nhân dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Đây cũng là dịp để nhân dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn biển khơi và cầu mong mưa thuận gió hòa, khoang thuyền đầy cá. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân và các du khách về tầm quan trọng, giá trị biển cả mang lại; từ đó hành động để bảo vệ môi trường biển...
* Hội Xuân ATK Chợ Đồn năm Ất Tỵ
Tại Bắc Kạn, Hội Xuân ATK Chợ Đồn năm Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc tại sân Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Chợ Đồn diễn ra vào tối 11/2 (tức 14 tháng Giêng).
Phát biểu khai Hội, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Triệu Huy Chung nhấn mạnh, Hội Xuân ATK năm Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Sắc xuân ATK” nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.
Sự kiện được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). Qua Hội Xuân ATK Chợ Đồn, nhân dân các dân tộc trên địa bàn cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc; là dịp để những người con Chợ Đồn bày tỏ lòng thành kính, cảm tạ của con người đối với thiên nhiên, đất, trời với các bậc thánh hiền, tổ tiên.
Các đại biểu và du khách đã được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ, màn trống hội kết hợp múa lân, múa rồng; các ca sĩ khách mời Hoàng Thanh Nga, Ngô Sỹ Ngọc (A Páo); trình diễn nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Mông. Đồng ra, ra mắt cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Đồn, giai đoạn 2005 - 2025.
Hội Xuân ATK Chợ Đồn diễn ra từ ngày 11/2 - 13/2 với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.../.
- Từ khóa:
- Độc đáo
- lễ hội đầu Xuân Ất Tỵ