Văn hóa

Độc đáo phiên chợ Âm dương Bắc Ninh

Bắc Ninh

Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng mùng 5 tháng Giêng hàng năm cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian, từ đó có chợ Âm dương.

Người bán hàng tại chợ Âm dương thường bán tiền, vàng, gạo muối, lửa với ý nghĩa mua may bán rủi. 
Ảnh: Thanh Thương-TTXVN

Tối 1/2, tại khu phố Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh diễn ra lễ khai hội làng Xuân Ổ - phiên chợ Âm dương.

Theo Ban tổ chức, lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi lễ truyền thống bao gồm đám rước và tế lễ. Theo tục lệ của địa phương, việc rước sẽ được diễn ra từ chiều 4 tháng Giêng. Địa phương chuẩn bị các đồ rước, ngày 5 tháng Giêng sẽ tiến hành rước Thánh từ nghè về đình để tế lễ theo phong tục truyền thống. Lễ dâng hương diễn ra từ 17-18 giờ ngày 4 tháng Giêng bao gồm lễ dâng hương của chính quyền địa phương diễn ra tại các di tích Đình, Đền, Chùa Xuân Ổ, phường Võ Cường. Sau đó sẽ diễn ra lễ mở chợ. Nghi lễ mở chợ tổ chức cúng cầu cho nhân dân mong một năm quốc thái dân an.

Phần hội diễn ra từ 20 giờ đến rạng sáng hôm sau. Sau nghi lễ mở chợ là các hoạt động trải nghiệm, trao đổi hàng hóa, "mua may, bán rủi"... theo nghi thức chợ Âm dương xưa. Theo tục lệ mặt hàng bán tại chợ Âm dương là gà đen. Cùng với đó, là các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của địa phương, các mặt hàng thiết yếu với người dân…các sản phẩm được chứng nhận OCOP của thành phố.

Một hoạt động không thể thiếu là hát Quan họ trên sân khấu, hát giao duyên giữa các làng Quan họ như: Hòa Đình, Khả Lễ, Đào Xá, Thị Cầu, Ném, Đống Cao, Bịu, Lim, Hòa Đình, Khả Lễ, Bồ Sơn, Viêm Xá...

Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng, xâm chiếm lại nước ta. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán. Họ đến bãi chiến trường để thắp hương và hóa vàng mã cho người thân.

Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng mùng 5 tháng Giêng hàng năm cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian, từ đó có chợ Âm dương.

Chợ họp trên bãi đất trước là chiến trường. Trải qua thời gian dài không tổ chức, đến nay, thành phố Bắc Ninh phục dựng lại lễ hội, trong đó có phiên chợ Âm dương. Phiên chợ được coi là cuộc hội ngộ âm dương, giúp cho những người đang sống giải tỏa về mặt tâm linh để tâm hồn được thanh thản. Vì thế, chợ không ồn ào, người mua không mặc cả, người bán không ra giá, không sử dụng đèn vì sợ những linh hồn hoảng sợ, làm mất đi sự tôn nghiêm của không gian tâm linh, huyền bí

Theo Ban Tổ chức, lễ hội diễn ra nhằm bảo tồn, phục dựng và phát triển các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của lễ hội truyền thống khu phố Xuân Ổ; tôn vinh công đức to lớn của các anh hùng trong sự nghiệp giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc; tuyên truyền quảng bá các giá trị của cụm di tích, lễ hội truyền thống, ý nghĩa về phiên chợ Âm dương "mua may, bán rủi"…góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong thực hành, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa quê hương. Cùng với đó, lễ hội duy trì và phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách đối với các giá trị di sản văn hóa quê hương tại cụm di tích./.

Thanh Thương

Tin liên quan

Xem thêm