Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị thế tiên phong với những đột phá về triển khai các mô hình trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập.
Nhiều năm qua, giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh luôn được đánh giá đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy và học. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được chú trọng nâng cao. Trong đó, nhiều mô hình, đề án trong đổi mới giáo dục được thực hiện hiệu quả, giúp học sinh phát huy tốt năng lực và kỹ năng.
* Nhiều mô hình đột phá
Cùng với điểm sáng về quy hoạch trường lớp, trong bức tranh đổi mới giáo dục của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị thế tiên phong với những đột phá về triển khai các mô hình trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập của mọi học sinh.
Một trong những thành tựu ấn tượng của giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây là đi đầu về chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là Tiếng Anh. Thành phố là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức dạy Tiếng Anh tăng cường cho bậc tiểu học, bắt đầu thí điểm từ năm 1998, sau đó mở rộng toàn địa bàn để phụ huynh lựa chọn.
Đáng chú ý, năm 2014, Thành phố triển khai Đề án Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam (chương trình Tiếng Anh tích hợp), đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ 18 trường với 600 học sinh tham gia học ở năm đầu thí điểm, đến năm 2024 đã có trên 160 trường với hơn 30.000 học sinh tham gia chương trình tích hợp. Việc triển khai Đề án này giúp nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học thuật quốc tế. Tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Thành phố dẫn đầu cả nước về điểm thi môn Tiếng Anh 8 năm liên tục.
Qua 10 năm thực hiện, Đề án được đánh giá mang tính đột phá, tiên phong trong việc dạy và học Tiếng Anh của Thành phố; được xem là trụ cột để thực hiện hiệu quả chủ trương đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những kết quả từ thực hiện Đề án này cho thấy, Thành phố có cơ sở vững chắc để triển khai hiệu quả việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Hiện, Sở đang xây dựng dự thảo tiêu chí và dự kiến triển khai thí điểm từ năm học tới.
Ngoài chương trình Tiếng Anh tích hợp, mô hình Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế cũng là thành tựu nổi bật của giáo dục Thành phố. Mô hình được triển khai từ năm học 2015 - 2016 với 3 trường trung học phổ thông, sau đó nhân rộng ra các cấp học và được nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn. Đến nay, toàn Thành phố có khoảng 60 cơ sở giáo dục thực hiện mô hình Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Mô hình hướng đến mục tiêu giáo dục chất lượng cao, để học sinh phát triển toàn diện với nhiều hoạt động nổi bật như: tăng cường giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM, nâng cao năng lực ngoại ngữ và Tin học... Với kinh nghiệm triển khai mô hình này từ năm 2018, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) chia sẻ, mô hình đã góp phần đổi mới cách dạy và học trong nhà trường, tạo điều kiện để giáo viên thay đổi phương pháp dạy; đồng thời, giúp học sinh phát triển các kỹ năng. Cùng với chương trình giáo dục chung, chương trình giáo dục nhà trường luôn được rà soát, bổ sung để kịp thời đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục với những nội dung như: lập trình Robot, Toán tư duy, các chương trình Tiếng Anh quốc tế...
Bên cạnh nhiều điểm sáng trong giáo dục đại trà, những thành tích nổi bật trong giáo dục mũi nhọn và nghiên cứu khoa học cũng là dấu ấn quan trọng của giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Năm học 2023 - 2024, Đội tuyển học sinh giỏi Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hai trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, vượt 10 bậc so với kết quả năm học trước đó. Ngoài ra còn có hai học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong đoạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc tế tại Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên học sinh của Thành phố đoạt giải cao nhất sau 12 năm tham gia sân chơi quốc tế này.
Cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường là đào tạo mũi nhọn để học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và quốc tế. Những năm gần đây, phong trào nghiên cứu khoa học phát triển, nhà trường tiếp tục đặt mũi nhọn về nghiên cứu khoa học, từ đó học sinh đạt được nhiều thành tích trong nội dung này. Nhiều năm nay, trường triển khai dạy đại trà về trí tuệ nhân tạo (AI) cho học sinh các khối lớp. Các em được tiếp cận với AI từ mức độ trung bình, ứng dụng, tới nghiên cứu, học sâu. Qua đó, nhà trường đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều học sinh thực sự đam mê nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo...
* Thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời
Tháng 3/2024, Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là Thành phố học tập toàn cầu trong mạng lưới của UNESCO. Đây là cột mốc quan trọng ghi nhận những nỗ lực không ngừng của địa phương trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, tạo cơ hội cho mọi người dân đều được học tập, phát triển bền vững. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây vừa là vinh dự nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm không nhỏ với Thành phố. Việc gia nhập mạng lưới thể hiện sự công nhận của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả người dân.
Để giữ vững danh hiệu Thành phố học tập toàn cầu, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hành động xây dựng Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030. Mục tiêu hướng đến là mọi công dân đều có cơ hội học tập bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo; góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng xã hội học tập, Thành phố học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với chủ trương đó, Thành phố đã chủ động triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” và đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Phong trào đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của học tập suốt đời, không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội; khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân tích cực tham gia vào các hoạt động học tập; từ đó góp phần xây dựng môi trường học tập thuận lợi, tạo cơ hội học tập cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, trình độ hay hoàn cảnh.
Mỗi địa phương, đơn vị với những đặc thù riêng đã triển khai các mô hình xây dựng xã hội học tập khác nhau. Từ năm 2017, Quận 12 được chọn thí điểm Đề án đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cũng như đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Theo Hội Khuyến học Quận 12, quy ước cộng đồng dân cư các khu phố có nội dung khuyến học cụ thể, có điều khoản chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi và sự đồng thuận cao cho công tác xây dựng xã hội học tập ở khu phố, phường. Quận 4 cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng gia đình học tập với khoảng 70% hộ đạt tiêu chí Gia đình học tập, 93% dòng họ đạt Dòng họ học tập. Các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập góp phần khuyến khích học sinh không bỏ học, cha mẹ quan tâm hơn đến việc học tập của con...
Cùng với phát huy mô hình học tập ở các địa phương, đơn vị, Thành phố đã nỗ lực tạo ra môi trường học tập mở, đáp ứng nhu cầu của mọi công dân như xây dựng kho học liệu mở, thư viện dùng chung phục vụ tự học và học tập suốt đời của người dân. Địa phương cũng nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng với đa dạng các hoạt động như phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật, tổ chức các chuyên đề về văn hóa xã hội, kinh tế, sức khỏe...
Trong chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Thành phố tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo./.(Hết)
- Từ khóa:
- giáo dục
- học tập
- đổi mới
- xã hôi học tập