Giáo dục

Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại

Kiên Giang

Kết quả qua 10 năm đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh trên địa bàn tỉnh cho thấy, học sinh tự tin hơn, có tư duy nhận xét đánh giá bản thân, bạn bè và sẵn sàng tiếp thu, sửa chữa những nhận xét đánh giá của giáo viên.

Giờ học của học sinh Trường Trung học Cơ sở Lê Qúy Đôn tại phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

TTXVN - Ngày 27/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tổ chức tổng kết 10 năm “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Thực hiện Nghị quyết số 29, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, nghĩ và tự học; giáo viên chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều thành việc hướng dẫn học sinh tự học, môi trường học tập thân thiện hơn. Giai đoạn từ năm 2013 đến 2020, tất cả trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình Trường học mới và Công nghệ giáo dục (đối với lớp 1).

Từ năm học 2012-2013, Sở dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh tiếp cận, vận dụng tốt nhiều chương trình, dự án từ Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp… qua đó đã tạo thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.

Việc điều chỉnh, vận dụng phương pháp dạy học tích cực đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được tổ chức phù hợp với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tạo môi trường học tập, rèn luyện, giúp học sinh tích lũy được kiến thức, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và rèn kỹ năng tự học. Kết quả qua 10 năm đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh trên địa bàn tỉnh cho thấy, học sinh tự tin hơn, có tư duy nhận xét đánh giá bản thân, bạn bè và sẵn sàng tiếp thu, sửa chữa những nhận xét đánh giá của giáo viên.

Kiên Giang thực hiện đổi mới thi, kiểm tra đối với giáo dục phổ thông. Việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng được triển khai mạnh mẽ, từng bước ổn định. Hoạt động kiểm tra, đánh giá theo hướng phối hợp sử dụng kết quả quá trình học tập với kết quả đánh giá cuối năm học được thực hiện ở các cấp học. Đặc biệt, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông trong 2 năm trở lại đây đã được ứng dụng phần mềm, tổ chức nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả và được dư luận xã hội đánh giá cao. Kết quả học sinh giỏi cấp tỉnh và tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Kiên Giang 10 năm qua luôn giữ ổn định và phát triển vững chắc.

Hiện nay, toàn tỉnh có 317/609 cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 52,05% (kế hoạch đến năm 2020 đạt ít nhất là 50%; đến năm 2025 là 60%), tăng 75 trường so với cùng kỳ; có 602 đơn vị, trường học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp và an toàn, đạt 99,1% so với tổng số đơn vị, trường học toàn ngành. Nếu năm 2012 có 40 trường (6,58%) thì đến năm 2022, toàn tỉnh có 317 trường ( 52,05%) đạt chuẩn quốc gia.

Để chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao trong thời gian tới, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết 29-NQ/TW, trong đó tăng cường thông tin tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức và sự đồng thuận trong nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Ngành đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, xem đây là giải pháp đột phá để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả hơn, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội; tháo gỡ được những nút thắt, rào cản hiện nay.

Ngành tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo và kỹ năng vận dụng kiến thức của người học; tạo sự chuyển biến cơ bản từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý tổ chức tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa…/.

Lê Sen

Xem thêm