Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học.
TTXVN - Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học nhằm xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.
Tỉnh đưa ra giải pháp nâng cao nhận thức, mà tiên quyết là ngành Giáo dục trong việc triển khai Kế hoạch 246 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tại Trường Trung học Phổ thông Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo), để thực hiện chuyển đổi số, nhà trường đã xây dựng cơ sở hạ tầng với hệ thống mạng lưới, thiết bị, các ứng dụng phần mềm, hệ thống bảo mật và truy cập internet, tạo điều kiện cho việc triển khai các dịch vụ điện tử. Hệ thống internet được trang bị với hai nhà mạng VNPT, Viettel kết nối với hệ thống camera toàn trường, phòng học để quản lý cơ sở vật chất và học sinh. Nhà trường sử dụng hệ thống điểm danh thông minh để điểm danh học sinh, lắp đặt hệ thống wifi tại các phòng học để khuyến khích học sinh tra cứu tài liệu, kiểm tra…
Điểm nổi bật trong chuyển đổi số tại Trường Trung học Phổ thông Chợ Gạo là xây dựng các ứng dụng giáo dục trực tuyến như các bài giảng, tài liệu học tập, bài kiểm tra, đề thi..., giúp học sinh học tập và ôn luyện trên mạng (AZOTA, SHUBCLASSROOM…). Trường cung cấp các dịch vụ trực tuyến như đăng ký nhập học, đăng ký tuyển sinh... bằng Google form, Google bảng tính… để giảm thiểu giấy tờ và tiết kiệm thời gian cho học sinh, phụ huynh. Trong giảng dạy, nhà trường khuyến khích giáo viên sử dụng các phần mềm hỗ trợ như Powerpoint và các phần mềm khác để giảng dạy cho tiết học sinh động, trực quan và hấp dẫn.
Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chợ Gạo cho biết, để trao đổi thông tin đến với phụ huynh học sinh, nhà trường sử dụng hệ thống vnEdu, sử dụng nhóm Zalo Ban điều hành cha mẹ học sinh để thông tin về học tập và nề nếp của học sinh. Bên cạnh đó là Facebook với tên Cổng thông tin Trường Trung học Phổ thông Chợ Gạo, Đoàn Trường Trung học Phổ thông Chợ Gạo… để truyền tải thông tin đến phụ huynh, học sinh...
Ở Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Mỹ Tho, nhà trường đã xây dựng một số phần mềm hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành từ xa về đăng ký phòng thực hành thí nghiệm, đơn xin phép vắng, sổ đầu bài, điểm danh học sinh; hướng dẫn học sinh và phụ huynh sử dụng các ứng dụng giao tiếp trực tuyến trên điện thoại thông minh để trao đổi thông tin, liên lạc, giao tiếp với nhà trường. Theo thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng nhà trường, mục tiêu của trường từng bước xây dựng trường học thông minh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý và dạy học. Một trong những mục tiêu đặt ra là số hóa toàn bộ các tài liệu cũ của trường đã lưu trữ gần 100 năm trên các văn bản giấy.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho hay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Cùng với đó, ngành Giáo dục sẽ thí điểm bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin tiếp cận chuẩn quốc tế tại một số cơ sở giáo dục, địa phương có đủ điều kiện và yêu cầu cao về nhân lực chuyển đổi số; triển khai hệ thống bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo tất cả các nhà giáo có hồ sơ và tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng một cách chủ động, thường xuyên theo nhu cầu. Ngành triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp Tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số./.