Ngành Giáo dục Phong Thổ đã vận động được 853 học sinh lớp 1; 939 học sinh lớp 2; 6.128 học sinh các lớp 3,4,5 học tập tại trung tâm.
TTXVN - Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ việc học sinh học tập trung tại trường trung tâm với cơ sở vật chất đảm bảo, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đưa học sinh từ điểm trường về trường trung tâm. Từ đó, góp phần giải quyết bài toán thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Ma Chải ở xã biên giới xa xôi và khó khăn của huyện Phong Thổ. Năm học 2022-2023, toàn trường có 16 lớp với 461 học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Ba năm học trước, trường có 7 điểm trường lẻ; một số điểm trường cơ sở vật chất không đảm bảo nên học sinh ít có dịp tham gia các hoạt động trải nghiệm, vui chơi.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh từ lớp 1 đến lớp 5 ở 4 điểm trường là Nhóm 1, Nhóm 2, Nhóm 3 và Hoang Thèn cho con em về học tại trường trung tâm. Trong quá trình triển khai, nhà trường luôn quan tâm đến chế độ, chính sách và huy động các nguồn xã hội hóa để chăm lo cho các em. Thấy được lợi ích của việc học tại trung tâm, phụ huynh học sinh đã tin tưởng gửi con em mình. Nhờ vậy, 100% học sinh tại 4 điểm trường đã chuyển về trung tâm học tập. Hiện, trường chỉ còn 3 điểm trường là Xì Choang, Tả Phùng và Tả Ô.
Thầy giáo Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Ma Chải chia sẻ, trường có 318/461 học sinh học tập tại trường trung tâm. Ba năm học gần đây, tỷ lệ chuyên cần của học sinh luôn đạt ở mức 98-99% trở lên. Nhà trường không phải cử giáo viên vận động học sinh như trước mà chỉ cần thông báo thời gian là học sinh có mặt đầy đủ. Nhiều phụ huynh quan tâm đến việc học tập của con em mình, bố trí thời gian đưa đón con mỗi ngày. Học sinh sau khi chuyển về trung tâm đã nói thành thạo tiếng phổ thông, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, học tập cũng chuyển biến tích cực.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Phong Thổ có 48 trường học với 864 lớp và 23.583 học sinh các bậc Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở. Trong đó, riêng bậc Tiểu học có 13 trường với 395 lớp và 10.160 học sinh; liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở có 5 trường. Việc đưa học sinh từ các điểm bản về trường trung tâm được huyện áp dụng đối với học sinh Tiểu học từ năm học 2018-2019.
Ông Nguyễn Vương Hùng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ cho biết, việc đưa học sinh từ các điểm bản về trường trung tâm là việc làm mạnh dạn của ngành Giáo dục huyện vì có những xã phải huy động học sinh từ lớp 1 rất vất vả. Khi đưa ra chủ trương này, cũng có những phụ huynh e ngại vì con em họ còn quá nhỏ, e ngại các điều kiện của nhà trường không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của trẻ và lo lắng con em bỡ ngỡ trong quá trình sinh hoạt tại trường. Có lúc, có nơi, điểm bản 10 học sinh thì chỉ được 1-2 em đồng ý chuyển về trung tâm.
Để giải quyết vấn đề, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với UBND các xã, bản giải thích cho phụ huynh học sinh hiểu số lượng học sinh quá ít (dưới 10 học sinh/điểm bản) rất khó duy trì việc dạy và học hiệu quả do thiếu giáo viên; phân tích cho bà con hiểu khi đến điểm trường trung tâm học tập sẽ có điều kiện tốt hơn và phát huy được tính độc lập của trẻ. Các em cũng có điều kiện tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Cùng với đó, Phòng cũng yêu cầu các nhà trường chỉ đạo giáo viên ngoài việc dạy kiến thức chuyên môn, phải coi học sinh như con em của mình, chăm sóc cẩn thận để trẻ không bị bỡ ngỡ, thường xuyên quan tâm, động viên kết hợp tổ chức các hoạt động tạo sự gắn kết giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh để các em yêu trường, mến lớp và thích đi học.
Kết quả cho thấy, toàn ngành Giáo dục Phong Thổ đã vận động được 853 học sinh lớp 1; 939 học sinh lớp 2; 6.128 học sinh các lớp 3,4,5 học tập tại trung tâm. Qua thời gian thực hiện cho thấy học sinh được tiếp cận với kiến thức đầy đủ, được tham gia các hoạt động phong trào, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại trường; học và rèn luyện kỹ năng sống cần thiết… Từ đó, năng lực thực hiện các hoạt động học tập tăng lên, nhất là kỹ năng hoạt động nhóm và việc tiếp cận với công nghệ thông tin. Kết thúc học kỳ I, năm học 2022-2023, đã có 95,6% học sinh xếp loại hoàn thành các môn học trở lên (riêng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc chiếm 33,7%). Từ đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục chung ở cả 3 bậc học của ngành giáo dục huyện./.