Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam: Quan tâm đúng mức tới việc hình thành thói quen đọc cho trẻ
Gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ sớm với việc khơi gợi đam mê và định hướng đọc sách phù hợp với nhu cầu, tâm lý lứa tuổi, sở thích của trẻ.
TTXVN - Đọc sách cần được hình thành và trở thành thói quen từ khi còn rất nhỏ, ngay cả khi một đứa trẻ chưa biết nói. Trong đó, gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thói quen ấy, từ việc khơi gợi đam mê đọc đến việc định hướng đọc sách phù hợp với nhu cầu, tâm lý lứa tuổi, sở thích của các em.
Đây là chia sẻ của các diễn giả tại Tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ do Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 22/4, trong khuôn khổ hoạt động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất Bản Trẻ cho rằng, bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần phải đọc và việc đọc nên bắt đầu tư khi còn bé, phải luôn được duy trì trong suốt cuộc đời không ngừng nghỉ. Lâu nay chúng ta có quan niệm chỉ đọc khi trẻ biết đọc, nhưng việc đọc phải được tiếp cận ngay cả khi trẻ chưa biết đọc thông qua việc người lớn đọc sách cho trẻ nghe. Thực tế, từ xưa, những lời ru, câu hò mà ông bà, cha mẹ ru con cũng chính là việc đọc cho trẻ nghe, giúp những đứa trẻ ấy được tiếp cận việc đọc từ rất sớm.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho biết, qua cuộc khảo sát với hơn 1.600 học sinh, sinh viên bà từng thực hiện cho thấy, phần lớn các em nhận thức rằng việc đọc sách rất hữu ích. Các em học sinh bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở cho rằng yếu tố ảnh hưởng nhất với các em trong việc hình thành thói quen đọc sách chính là gia đình. Còn với lứa tuổi học sinh bậc Trung học Phổ thông, thầy cô và bạn bè chính là những người tác động tới thói quen đọc của các em.
Từ khảo sát này cho thấy, vai trò của gia đình và nhà trường đều rất quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy thói quen với trẻ. Vì thế, nếu gia đình và nhà trường có sự quan tâm đúng mức tới việc đọc của trẻ thì trong tương lai việc phát triển văn hóa đọc sẽ được như kỳ vọng, sức đọc của người Việt Nam sẽ được từng bước nâng lên chứ không dừng ở mức 6 bản sách/người/năm như hiện nay.
Thực tế cho thấy, việc đọc phải dựa trên nhu cầu, sở thích, tâm lý của mỗi người thì mới phát huy được hiệu quả. Vì thế trong việc đọc và chọn sách, người lớn không thể áp đặt với trẻ mà cần định hướng để các em chọn đọc theo đúng nhu cầu.
Với nhiều đầu sách văn hóa, thể thao, du ký truyền cảm hứng cho giới trẻ, tác giả Trung Nghĩa là một 10 gương mặt Đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023-2024 của thành phố. Tác giả Trung Nghĩa chia sẻ, niềm say mê đọc sách của anh xuất phát một cách tự nhiên từ lúc còn nhỏ, khi ba của anh thường xuyên mua sách, báo cho đọc. Việc đọc sách giúp anh mở rộng tầm mắt, mở mang kiến thức, sự hiểu biết của mình. Vì thế, theo thời gian, niềm say mê đọc ngày càng tăng lên; những điều thú vị trong mỗi trang sách là động lực cho rất nhiều chuyến đi của anh, đi để khám phá và viết để kể về những trải nghiệm tuyệt vời của mình. Từ câu chuyện của mình, tác giả Trung Nghĩa cũng cho rằng vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc khơi gợi niềm say mê và định hướng việc đọc cho trẻ.
Dịp này, Ban Tổ chức đã tổng kết và trao giải hội thi Lớn lên cùng sách lần thứ 8 và hội thi Văn hay chữ tốt lần thứ 23.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 2 hội thi được tổ chức nhằm góp phần nuôi dưỡng tình yêu với sách trong học sinh, duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày và vận dụng kiến thức trong sách vào thực tiễn cuộc sống; tạo môi trường học tập, giao lưu cho các em có say mê sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ. Với chủ đề về lịch sử cùng với hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng trước khi làm bài thi đã tạo ra sự kết nối ở nhiều phương diện. Đó là kết nối giữa trải nghiệm và sáng tạo, giữa các môn học Lịch sử và Ngữ văn, giữ người trẻ và quá khứ…
Cụ thể, trước khi làm bài thi các học sinh được tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi làm bài. Hoạt động này giúp các em tìm hiểu và nhìn nhận giá trị lịch sử theo góc nhìn riêng. Từ những kiến thức, tư liệu thu thập được sau phần trải nghiệm, hội thi Lớn lên cùng sách yêu cầu các em thiết kế một “Quyển sách lịch sử của tôi”; còn hội thi Văn hay chữ tốt yêu cầu các em thực hiện bài viết với chủ đề “Lịch sử trong tôi là…”.
Kết quả, em Hoàng Lê Vy, Trường Trung học Cơ sở Trần Phú (Quận 10) đã giành giải nhất hội thi Lớn lên cùng sách khối 6-7; ở khối 8-9, em Bùi Lưu Bảo Khánh, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) giành giải nhất. Cùng với đó, ở mỗi khối còn có 4 giải nhì, 8 giải ba, 10 giải khuyến khích.
Ở hội thi Văn hay chữ tốt, em Lê Nguyễn Thùy Dương, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Bá (thành phố Thủ Đức) giành giải nhất khối 8-9; khối 6-7, em Nguyễn Đỗ Ngọc Hân, Trường Trung học Cơ sở Quang Trung (quận Gò Vấp) giành giải nhất. Ở mỗi khối, Ban tổ chức cũng trao 3 giải nhì, 8 giải ba, 10 giải khuyến khích./.