Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam: Nhân rộng những mô hình hay tại gia đình, hội quán
Các đơn vị, địa phương tìm nguồn để trang bị, cấp thêm nguồn sách; định hướng cho trẻ em lựa chọn loại sách phù hợp với lứa tuổi; tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thư viện...
TTXVN - Ngày 19/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu đề nghị, để thực hiện tốt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, các sở, ngành, đoàn thể cần tích hợp việc thực hiện Đề án vào chương trình thi đua hàng năm. Các đơn vị, địa phương tìm nguồn để trang bị, cấp thêm nguồn sách; nhân rộng những mô hình hay về phát triển văn hóa đọc tại gia đình, hội quán…; định hướng cho trẻ em lựa chọn loại sách phù hợp với lứa tuổi; tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thư viện. Thư viện tỉnh thường xuyên luân chuyển sách giữa các địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của đơn vị.
Thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, 3 năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh xã hội hóa các loại sách để hỗ trợ cho thư viện trường học, các tổ nhân dân tự quản và tủ sách công nhân…
Hiện nay, toàn tỉnh có một thư viện cấp tỉnh, 9 thư viện cấp huyện, 224 phòng đọc sách xã, phường, thị trấn và tủ sách pháp luật, tủ sách câu lạc bộ; 215 tủ sách khuyến học, 424 thư viện trường học, một phòng đọc sách khu nhà ở tập thể công nhân, một thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng... Tất cả được bố trí cơ sở vật chất, tài nguyên thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa đọc.
Hệ thống thư viện công cộng luôn đổi mới về hình thức và nội dung đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân. Trung bình hàng năm, Thư viện tỉnh và Thư viện cơ sở phục vụ hơn 900.000 lượt người/1.600.000 lượt tài liệu; cấp mới trung bình 5.000 thẻ bạn đọc/năm; tổ chức phục vụ xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” trên 80 cuộc/năm với 249.900 lượt người/564.496 lượt tài liệu. Hệ thống thư viện giáo dục phổ thông phục vụ nhu cầu học tập và giải trí của khoảng 1.216.766 lượt học sinh/4.064.870 lượt tài liệu.
Địa phương có hơn 6.260.400 bản sách, trong đó thư viện tỉnh có 244.911 bản sách; các thư viện cấp huyện có trên 132.000 bản sách; thư viện cấp xã, Tủ sách ánh sáng tri thức, Tủ sách khuyến học có hơn 3.483.000 bản sách; các thư viện trường học đạt gần 2.320.000 bản sách… Như vậy, mức hưởng thụ bình quân sách là 3,9 bản/người dân (vượt 30% so với kế hoạch); mỗi người dân trung bình đọc 3,85 cuốn sách/năm (vượt 28% so với kế hoạch)./.