Giới thiệu bộ sách "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử"
Bộ sách là một tập hợp đầy đủ, đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu khái quát về các lĩnh vực tại Sài Gòn - Gia Ðịnh - Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1698 đến năm 2020.
TTXVN - Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giao lưu và giới thiệu Bộ sách "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 tại Thành phố.
Với niềm đam mê sử học, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II ở Thành phố Hồ Chí Minh để tập hợp tài liệu, hoàn thành đề tài "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh" với mong muốn cung cấp đến công chúng thông tin bao quát về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đầu năm 2023, bộ sách "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)" được Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc. Đây là công trình dày công nghiên cứu trên 20 năm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Bộ sách là một tập hợp đầy đủ, đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu khái quát về các lĩnh vực tại Sài Gòn - Gia Ðịnh - Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1698 đến năm 2020.
Tác phẩm gồm 6 phần chính, được chia ra hai tập với mốc thời gian tập I từ 1698 - 1945 và tập II từ 1945 - 2020. Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của Thành phố, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt. Phần thứ nhất giới thiệu thời các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn; phần thứ hai giới thiệu thời Pháp thuộc; phần thứ ba giới thiệu giai đoạn từ ngày Nhật đảo chánh Pháp (1945-1975) đến Hiệp định Genève 1954; phần thứ tư giới thiệu giai đoạn Việt Nam Cộng hòa (1954-1975); phần thứ năm giới thiệu giai đoạn xây dựng Thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, hội nhập từ 1975-2020. Cuối cùng là Phần tổng luận, phần phụ lục.
"Với tác phẩm này, tôi muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao … của từng thời kỳ. Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong Thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm vấn đề liên quan đến Thành phố, chỉ việc mở sách ra"- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bộc bạch.
Tác giả không chỉ dày công sắp xếp các đề mục, chủ đề có hệ thống, khoa học mà còn đưa vào bộ sách nhiều thông tin xác đáng, mới mẻ - điều mà bạn đọc rất mong chờ ở các tác phẩm. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Ở tuổi 103, mỗi ngày, bác vẫn dành gần 10 giờ đồng hồ để làm việc. Để bắt nhịp với thời đại, bác bắt đầu học đánh bàn phím máy tính từ năm 90 tuổi. Viết xong cuốn này, bác lại bắt tay ngay vào viết cuốn khác. Qua buổi giao lưu, chúng tôi không chỉ mong muốn giới thiệu đến đông đảo bạn đọc một tác phẩm văn hóa - lịch sử có giá trị mà còn lan tỏa một tấm gương lao động kiên trì, nhẫn nại, hăng say rất đáng trân quý, một tấm lòng sâu nặng với thành phố".
Với thông điệp "Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo", "Sách cho tôi, cho bạn", "Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc", Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 được Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức từ ngày 19 - 23/4 tại khu vực Công trường Công xã Paris (từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Duẩn) và Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, không chỉ hoạt động ở cấp thành phố, sự kiện còn mở rộng đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức với rất nhiều hoạt động hưởng ứng.
Chương trình giới thiệu tới bạn đọc hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách hay, bổ ích với đa dạng thể loại, chủ đề phong phú. Đặc biệt, nhân dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức chương trình giao lưu, giới thiệu cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cùng với đó, trong khuôn khổ sự kiện còn có hơn 80 chương trình tọa đàm, giao lưu về sách, văn hóa đọc được tổ chức với các chủ đề phong phú; nhiều chủ đề mới được đông đảo người dân quan tâm như ChatGPT và việc viết văn, viết sách của giới trẻ hiện nay, làm sao để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em trong thời đại số, vì sao cần xuất bản sách điện tử…. Đặc biệt, lần đầu tiên, Ban Tổ chức công bố và tổ chức giao lưu với 10 Đại sứ Văn hóa đọc./.