Thời sự

Đổi mới thông tin nguồn trong nước trong bối cảnh chuyển đổi số

Hà Nội

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, là căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm giúp nhóm nghiên cứu đổi mới mô hình sản xuất thông tin nguồn trong nước trong thời gian tới một cách hiệu quả...

Ngày 6/6, tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Ban biên tập tin Trong nước tổ chức Hội thảo “Giải pháp đổi mới thông tin nguồn trong nước trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Dự Hội thảo có Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Thị Sự; Trưởng Ban biên tập tin Trong nước Trần Ngọc Tú; các nhà nghiên cứu cùng đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn của TTXVN.

Nhà báo Trần Ngọc Tú - Trưởng Ban biên tập tin Trong nước phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Nhà báo Trần Ngọc Tú - Trưởng Ban biên tập tin Trong nước nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số, sự ra đời và cạnh tranh gay gắt của nhiều loại hình truyền thông dẫn đến nhu cầu sử dụng thông tin của các cơ quan báo chí cũng như cách tiếp nhận thông tin của công chúng đã có nhiều thay đổi. Điều này đã làm thay đổi sâu sắc cả về nội dung, hình thức thể hiện, phương thức truyền tải thông tin, trong đó có thông tin nguồn của TTXVN.

Là đơn vị thông tin nguồn của TTXVN, Ban biên tập tin Trong nước có chức năng thu thập và cung cấp thông tin về các lĩnh vực chính trị - xã hội trong nước, đảm bảo thông tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương; góp phần tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thông tin, tạo nguồn thông tin từ đội ngũ gần 190 phóng viên thường trú ở khắp 63 tỉnh, thành phố; xây dựng mạng lưới thông tin viên, cộng tác viên rộng khắp tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Những năm gần đây, bản tin nguồn trong nước (Tin Thời sự Trong nước) đã có nhiều đổi mới về tư duy, cách thức chuyển tải và nội dung thông tin. Thông tin văn bản đã tăng nhiều về số lượng, ngày càng phong phú về nội dung, chủ đề, nâng cao hơn về chất lượng.

Quang cảnh Hội thảo.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Cùng với chức năng nguồn thông tin văn bản, Ban biên tập tin Trong nước đã phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Thông tấn (Vnews) thực hiện tin hình về các sự kiện thời sự chính trị - ngoại giao. Năm 2021, Ban biên tập tin Trong nước đã bắt đầu thực hiện chuyên mục truyền hình “Chính sách & Cuộc sống” với mô hình sản xuất 2 trong 1 - vừa sản xuất chuyên đề thông tin văn bản, vừa sản xuất chuyên đề thông tin truyền hình. Tháng 11/2022, Ban biên tập tin Trong nước ra mắt chuyên trang thông tin điện tử Chính sách & Cuộc sống (chinhsachcuocsong.vnanet.vn), từng bước chuyển đổi sản xuất thông tin theo hướng đa phương tiện, tích hợp nhiều loại hình thông tin, nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Mới đây, từ ngày 1/3/2024, phóng viên Ban biên tập tin Trong nước bắt đầu thực hiện thông tin ảnh thời sự để gửi về Ban biên tập ảnh để phát trên nguồn thông tin chung của TTXVN.

Trong bối cảnh đó, thông tin nguồn trong nước của TTXVN cần tiếp tục đổi mới sâu sắc, bài bản và toàn diện hơn nữa từ tư duy thông tin, quy trình tổ chức sản xuất, nội dung, hình thức thể hiện, phương thức tác nghiệp, cách thức lan tỏa thông tin... để đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành, cũng như sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.

Chia sẻ về xu hướng phát triển hệ sinh thái nội dung số báo chí và một số gợi ý cho Ban biên tập Tin trong nước – TTXVN, Tiến sĩ Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông số, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ một số phương thức quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái nội dung như: Hệ sinh thái nội dung số; tầm nhìn về chiến lược nội dung số; tầm nhìn về quản trị hệ sinh thái nội dung số; chiến lược gia tăng giá trị ngoài nội dung…Nhằm giúp Ban tin trong nước của TTXVN tham khảo để xây dựng chiến lược tổng thể, nhằm phát triển lượng độc giả tiếp cận ổn định và thường xuyên. Đây cũng là tiền đề cần thiết để chuẩn bị cho những bước đi bền vững trong chuyển đổi số, tái cấu trúc và hướng đến nền kinh tế báo chí dựa trên nguồn thu từ độc giả, mà với đặc thù của TTXVN thì đó là từ tệp khách hàng truyền thống - các cơ quan báo chí Việt Nam.

Tiến sĩ Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông số, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ một số phương thức quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái nội dung.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Tham luận tại Hội thảo, Trung tá Đào Vân Hương - Báo Quân đội nhân dân cho biết, là một đơn vị thường xuyên sử dụng tin nguồn của Ban biên tập Tin trong nước – TTXVN, các bản tin trong nước của TTXVN luôn theo sát các sự kiện thời sự quan trọng của đất nước, các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, môi trường… Thông tin nhanh chóng, chính xác và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nhanh các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các sự kiện, vấn đề thời sự quan trọng trong nước được tổ chức thông tin bài bản, chặt chẽ, hiệu quả; cung cấp nguồn thông tin chính thống phong phú, đa dạng, làm tốt vai trò định hướng thông tin…

Trung tá Đào Vân Hương cũng nêu lên một số đề xuất: Thông tin của TTXVN cần luôn giữ vững định hướng chính trị, đảm bảo tính thời sự, chuẩn xác, đa dạng và hấp dẫn, mang hơi thở của cuộc sống; tăng cường thông tin bình luận, phân tích và tổng hợp, thông tin tham khảo mang tính dự báo, để phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước. Cần phát triển mạnh các sản phẩm thông tin đa phương tiện như: Tin truyền hình, tin đồ họa, tin ảnh, tin âm thanh... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các cơ quan báo chí và công chúng.

Trung tá Đào Vân Hương - Báo Quân đội nhân dân đóng góp tham luận tại Hội thảo.
Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Tại TTXVN, các đơn vị chức năng, đơn vị báo chí xuất bản đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ; nhiều đơn vị đã tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề chuyển đổi số, nhưng chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào đề cập vấn đề chuyển đổi số đối với bản tin nguồn, vốn được coi là “pháo đài” của loại hình thông tin truyền thống – thông tin văn bản, với phương thức tác nghiệp còn nặng tính truyền thống. Trong khi đội ngũ phóng viên thực hiện thông tin nguồn trong nước không chỉ tập trung tại Ban biên tập ở Tổng xã mà còn thường trú trên khắp 63 tỉnh, thành phố. Vì vậy, việc đổi mới mô hình sản xuất thông tin nguồn trong nước của TTXVN cần thực hiện bài bản, đồng bộ, có căn cứ khoa học và thực tiễn, từ tư duy thông tin, quy trình tổ chức sản xuất, nội dung, hình thức thể hiện, phương thức tác nghiệp, cách thức lan tỏa thông tin...

Cho đến nay, Ban biên tập tin Trong nước đã thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành gồm: Đề tài “Các giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch trên các sản phẩm báo chí TTXVN” và Đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin các cơ quan thường trú trong nước của TTXVN”. Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi, Ban biên tập tin Trong nước đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về đổi mới mô hình sản xuất thông tin nguồn trong nước trong bối cảnh chuyển đổi số.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, là căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm giúp nhóm nghiên cứu đổi mới mô hình sản xuất thông tin nguồn trong nước trong thời gian tới một cách hiệu quả./.

Nam Sương

Tin liên quan

Xem thêm