Năm 2023, ngành Y Thái Bình tích cực triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới tại các bệnh viện chuyên và đa khoa, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên.
TTXVN - Bên cạnh nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng việc áp dụng nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, ngành Y tế tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Đây là bước tiến quan trọng của ngành vì mục tiêu nâng cao sức khỏe nhân dân.
*Triển khai nhiều kỹ thuật cao
Năm 2023 đánh dấu bước tiến mới trong kỹ thuật ngoại khoa của Bệnh viện Nhi Thái Bình, khi lần đầu tiên, cơ sở y tế này thực hiện thành công phẫu thuật tim hở. Đây là kỹ thuật khó, phức tạp, đòi hỏi trình độ tay nghề cao của đội ngũ y, bác sỹ. Với sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã từng bước làm chủ được kỹ thuật này, mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh.
Bệnh nhi đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này mới chỉ 38 tháng tuổi, với chẩn đoán tim bẩm sinh thông liên thất phần màng lan dưới van chủ. Ca bệnh được đánh giá thành công sau gần 5 giờ phẫu thuật. Chị Bùi Thị Như Hoa (xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng) chia sẻ, thay vì phải lên bệnh viện tuyến trên để thực hiện phẫu thuật, con chị đã được mổ ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh. Điều này có ý nghĩa lớn với gia đình chị khi tiết kiệm được thời gian cũng như các chi phí chăm sóc, đi lại. Sau phẫu thuật, sức khỏe của cháu bé hiện phát triển tốt. Đây là niềm vui lớn của gia đình sau hơn 3 năm cùng con chiến đấu với bệnh tật.
Bác sỹ Chuyên khoa II Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho trẻ em, năm 2023, Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới cả ở lâm sàng và cận lâm sàng, trong đó đặc biệt là kỹ thuật phẫu thuật tim hở. Để thực hiện được kỹ thuật này, Bệnh viện đã ưu tiên đầu tư gần 30 tỷ đồng cho trang thiết bị máy móc, đồng thời cử các cán bộ đi đào tạo tại bệnh viện tuyến trên. Hiện, Bệnh viện đã có phòng phẫu thuật tim mạch và phòng hồi sức sau mổ tim đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu phẫu thuật cho nhiều trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh thời gian tới.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, bên cạnh triển khai phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Nhi, năm 2023, toàn ngành đã tích cực triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, giảm số lượng bệnh nhân chuyển tuyến, giảm tải cho tuyến trên, đồng thời mở ra cơ hội cho người dân trong tỉnh được hưởng những kỹ thuật cao ngay tại các bệnh viện trên địa bàn, giảm chi phí điều trị, ăn ở, đi lại cho người bệnh và gia đình. Điển hình như phẫu thuật tim hở (vá thông liên thất, thông liên nhĩ), phẫu thuật tim kín (thắt ống động mạch), phẫu thuật máu tụ nội sọ, phẫu thuật điều trị khe hở môi vòm miệng, can thiệp tim mạch (bít thông liên nhĩ, ống động mạch)...; duy trì hội chẩn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), đào tạo trực tuyến giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới.
Năm 2023, trên 2,9 triệu lượt người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (tăng 15,3% so với cùng kỳ 2022); số người bệnh điều trị nội trú đạt 387.260 lượt (tăng 10,7%); công suất giường bệnh thực tế sử dụng tăng 5,8%; số ca phẫu thuật tăng 14,6%. Công tác cấp cứu, khám chữa bệnh luôn được duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ở tất cả các tuyến, cứu sống nhiều ca bệnh nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người bệnh và không để xảy ra các sự cố y khoa nghiêm trọng. Chất lượng điều trị ngày càng được nâng cao, tỷ lệ điều trị khỏi và đỡ đạt trên 90%.
*Hướng đến số hóa ngành Y tế
Thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Y tế tỉnh đã và đang triển khai thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tiến tới số hóa. Theo đó, tỉnh triển khai các thủ tục xây dựng Trung tâm dữ liệu điều hành y tế thông minh và khởi động lộ trình lập Hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Thái Bình với mục tiêu: “Mọi người dân được định danh y tế điện tử, có hồ sơ sức khoẻ điện tử, các bệnh viện, các trạm y tế triển khai phần mềm quản lý và nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh từ xa”.
Toàn ngành tiếp tục hoàn thiện liên thông dữ liệu thẻ Bảo hiểm y tế và Căn cước công dân gắn chip hỗ trợ đơn vị y tế trong thực hiện nhiệm vụ. Thống kê đến ngày 9/2/2024, toàn tỉnh có 829.681 người sử dụng thẻ Căn cước công dân đi khám chữa bệnh; cấp trên 30.000 Giấy khám sức khỏe điện tử. Toàn tỉnh có 32/32 bệnh viện thu viện phí không dùng tiền mặt với trên 178.000 lượt sử dụng ứng dụng thanh toán. Năm 2023, 100% thủ tục hành chính về lĩnh vực y dược, an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, y tế dự phòng… được xử lý kịp thời, giảm từ 20-40% thời gian xử lý.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Hà Trung Kiên, mục tiêu của ngành năm 2024 là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế, y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có đạo đức nghề nghiệp tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng.
Ngành tập trung nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, triển khai hiệu quả và tranh thủ các thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Myongji (Hàn Quốc) và các nguồn lực, tổ chức hợp pháp khác để tăng cường đầu tư phát triển các cơ sở khám chữa bệnh, nâng tầm chất lượng phục vụ người bệnh. Về xây dựng y tế thông minh và cải cách hành chính, ngành Y tế sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin từ các nền tảng số y tế tại địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; tăng cường các hoạt động tư vấn, hội chẩn, đào tạo từ xa, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu năm 2024, toàn ngành có tối thiểu 5 bệnh viện triển khai Bệnh án điện tử thay cho Bệnh án giấy../.