Sức khỏe

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Dồn lực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân

Hà Nội

Ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

TTXVN - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 82 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập trực thuộc, gồm 13 bệnh viện đa khoa thành phố,13 bệnh viện đa khoa huyện,15 bệnh viện chuyên khoa. Số giường bệnh/1 vạn dân đạt 27,5 giường. Thời gian qua, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn được nâng cao; các cơ sở phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị; 100% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Tuy nhiên hiện nay, cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện còn chưa bảo đảm. Bộ Y tế ban hành thông tư mới về thiết kế trạm y tế xã, phường, thị trấn và danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế tuyến xã; còn rất nhiều trạm y tế được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp cần được đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng và cải tạo, sửa chữa để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng buồng phòng theo yêu cầu chuyên môn của ngành Y tế.

Mới đây, đến thăm và chúc mừng Bệnh viện Xanh Pôn nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội đang thực hiện các công việc quan trọng để phát triển hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, lĩnh vực y tế được thành phố đầu tư lớn với việc nâng cấp cơ sở vật chất cơ sở khám chữa bệnh, triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử…

Trước đó, tại kỳ họp thứ 13 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2023; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố, trong đó phê duyệt chủ trương đầu tư với 30 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 15.085,4 tỷ đồng phân bổ cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế, dân số và gia đình; văn hóa thông tin; lĩnh vực môi trường; thủy lợi; giao thông...

Là bệnh viện Hạng I của Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có 6 chuyên khoa đầu ngành, quy mô trên 850 giường bệnh với hơn 1.000 nhân viên. Từ một cơ sở y tế chỉ có 50 giường bệnh, đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã phát triển thành một cơ sở y tế lớn của Thủ đô với trên 800 giường bệnh; hằng năm khám cho gần 600.000 lượt người bệnh, điều trị nội trú gần 85.000 bệnh nhân và mổ cho gần 15.000 trường hợp... Ngoài ra, bệnh viện còn là cơ sở đào tạo của nhiều trường đại học lớn.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đức Long cho biết, thời gian qua, cơ sở vật chất của bệnh viện đã được đầu tư cải tạo. Cùng với đó, bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tập trung phát triển các kỹ thuật cao. Hiện, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được đánh giá là một trong hai trung tâm trên Thế giới phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ ở trẻ. Bệnh viện cũng đã áp dụng nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2023, các đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới tại các đơn vị. Cụ thể, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện thành công kỹ thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu song thai bằng laser; truscreen sàng lọc ung thư cổ tử cung; kỹ thuật truyền dịch vào buồng ối; kỹ thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng dải xơ buồng ối bằng laser.

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu hàng đầu Việt Nam được bệnh viện thực hiện thường quy như: Thay van động mạch chủ qua da; đặt stent graft động mạch chủ ngực, đặt stent graft động mạch chủ bụng; can thiệp tim bẩm sinh, trẻ sơ sinh thấp cân (stent, coil...), điều trị loạn nhịp bằng RF với hệ thống Mapping 3D, đốt ngoại tâm mạc, hội chứng Brugada; tạo nhịp 3 buồng tim, tạo nhịp bó HIS.

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phát triển xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen chẩn đoán chuyên sâu thêm một số bệnh lý ung thư; xét nghiệm tế bào học bằng phương pháp Liqui - Prep; phẫu thuật bằng Laser trong ung thư thanh quản giai đoạn sớm; chụp 18F-NAF PET/CT trong chẩn đoán ung thư xương nguyên phát và di căn xương...

Bệnh viện đa khoa Đức Giang điều trị suy tĩnh mạch bằng Laser nội mạch; HDF - online (lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp bằng dịch lọc); nội soi buồng tử cung can thiệp. Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thực hiện nhiều kỹ thuật ngang tầm khu vực và thế giới như phẫu thuật nội soi 1 lỗ/1 đường rạch trong các bệnh lý tiết niệu ở trẻ em, phẫu thuật nội soi tạo hình khúc nối bể thận niệu quản theo nguyên tắc Finney, phẫu thuật nội soi sử dụng kim chuyên dụng điều trị thoát vị hoành ở trẻ sơ sinh; các phẫu thuật thay khớp nhân tạo, phẫu thuật chỉnh hình nhi, phẫu thuật tiêu hóa… Các bệnh viện khác cũng thực hiện đề xuất và triển khai thí điểm nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến.

Thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bám sát các chỉ đạo của Bộ Y tế để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, hướng tới sự hài lòng người bệnh; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, giảm thải chất thải nhựa. Phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, kỹ thuật mũi nhọn để triển khai thực hiện trong giai đoạn tới. Khuyến khích các đơn vị tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh (tiếp đón người bệnh bằng nhận diện khuôn mặt, đặt hẹn khám bệnh qua ứng dụng trực tuyến trên điện thoại di động...). Chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử, thay thế bệnh án giấy trong hoạt động khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện đã triển khai tích cực và hiệu quả của quy trình chuyển đổi số như: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Vân Đình... Hiện nay, Sở Y tế đã ban hành quyết định công bố đối với 18 bệnh viện đủ điều kiện liên thông kết quả xét nghiệm ở mức độ 2.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, ngành Y tế cũng tăng cường kiểm tra, giám sát quy chế chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh và giám sát hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn; đào tạo, khám chữa bệnh từ xa…

Với việc dồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở khám chữa bệnh, triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử… và thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu và mong muốn của mọi người dân./.

Tuyết Mai

Tin liên quan

Xem thêm