Tính đến ngày 13/11/2023, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ Bảo hiểm y tế và đã tiếp đón 3.484.478 lượt khám, chữa bệnh bằng hình thức này.
TTXVN - Sở Y tế Hà Nội từ cuối bảng xếp hạng (năm 2022), chỉ sau một năm, đã vươn lên đứng thứ 6/22 về chỉ số cải cách hành chính các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã năm 2023 với kết quả chỉ số cải cách hành chính đạt 93,21%; là đơn vị có giá trị điểm số tăng cao nhất với 12,20%.
* Khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ - TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" và chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tính đến ngày 13/11/2023, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ Bảo hiểm y tế và đã tiếp đón 3.484.478 lượt khám, chữa bệnh bằng hình thức này.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội), các bảng thông báo về việc bệnh viện triển khai tiếp đón bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, hoặc ứng dụng VneID được để ngay từ cửa ra vào. "Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh phải mang cả căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế, giờ chỉ cần mang căn cước nhân dân gắn chip, thủ tục đỡ rườm rà, thuận lợi hơn cho người dân mỗi khi đi khám, chữa bệnh", anh Nguyễn Văn Trí (quận Long Biên) chia sẻ.
Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đang từng bước phát triển định hướng là bệnh viện thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu trong áp dụng bệnh án điện tử, dùng thẻ khám bệnh thông minh lấy số tại cây kios tiếp đón, thanh toán qua thẻ, đặt lịch khám bệnh từ xa, hỗ trợ tổng đài…
Bà Nguyễn Thanh (huyện Ứng Hòa) cho biết, từ ngày 18/9/2023, bệnh nhân được đặt lịch khám từ xa tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình. Do đó, mỗi lần đi khám bệnh, bà đăng ký lịch khám trước, không mất thời gian chờ đợi, lựa chọn được khung giờ khám phù hợp, chọn phòng khám mong muốn.
Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân trên địa bàn thành phố. Hiện nay, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử đã tích hợp và lập được thông tin hành chính của hơn 7,7 triệu người dân.
* Nâng cao chỉ số cải cách hành chính
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, chuyển đổi số và cải cách hành chính là những vấn đề "sống còn" của ngành, cần phải đi vào thực chất, mang lại những giá trị thiết thực. Mục tiêu cuối cùng là người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế nhanh nhất, chất lượng nhất. Phần thưởng lớn nhất, quan trọng nhất chính là sự hài lòng, là niềm tin của người dân trong xã hội đối với ngành Y tế.
Sở đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Năm 2023, Sở đã ban hành hơn 20 kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính về khắc phục các nội dung thấp điểm năm 2022 và cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023. Sở ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng ngành Y tế Hà Nội năm 2023; cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI… Việc ban hành kịp thời các kế hoạch hoạt động là cơ sở, căn cứ để các phòng ban, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao đúng nội dung, tiến độ, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch chung của toàn sở, toàn ngành.
Năm 2023, Sở Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở ngành, cơ quan liên quan nhằm rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch thi đua sáng kiến, đề xuất giải pháp về cải cách hành chính năm 2023 phát động tới các đơn vị trong ngành, trong đó 3 sáng kiến của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có giá trị nhân rộng trong toàn ngành.
Đơn vị đã rà soát 191 thủ tục hành chính, bãi bỏ 4 thủ tục hành chính lĩnh vực Dược - Mỹ phẩm thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở. Hiện tại, có 187 thủ tục hành chính còn hiệu lực thi hành và quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của Sở Y tế được UBND thành phố phê duyệt. Bốn thủ tục hành chính nội bộ lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố được Sở Y tế công bố công khai. Đồng thời, Sở đã có tờ trình UBND thành phố đề nghị thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính với 1/4 thủ tục tại Quyết định 2745/QĐ - UBND, đáp ứng chỉ tiêu thành phố giao. Sở Y tế xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đảm bảo 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được thực hiện theo cơ chế một cửa.
Sở thực hiện cải cách tổ chức bộ máy phù hợp và triển khai tuyển dụng, tinh giản biên chế theo quy định. Về cải cách tài chính công, ngành Y tế thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 2 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Tim Hà Nội; nâng mức tự đảm bảo chi thường xuyên của 37 đơn vị. Hiện tại, Sở đã ban hành 4 quyết định về việc việc giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023 -2025 và các năm 2023, 2024 cho 76 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Đồng thời, đơn vị đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty FPT rà soát và hoàn thiện quy trình của các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực phụ trách để đưa vào vận hành, phục vụ chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, Sở đã đề xuất xây dựng Hệ thống quản lý điều hành y tế tập trung và được UBND thành phố phê duyệt tại Đề án số 05/ĐA - UBND ngày 31/8/2023 về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025. Hiện nay, Sở đang xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; việc xây dựng Hệ thống quản lý điều hành tập trung của Sở Y tế sẽ góp phần vào việc hình thành Trung tâm điều hành thông minh của thành phố.
Chuyển đổi số và cải cách hành chính của ngành Y tế còn thể hiện ở công tác "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID - 19 và ký xác nhận "Hộ chiếu vaccine". Đến nay, các đơn vị trên địa bàn thành phố (không tính số liệu của các bệnh viện Bộ, ngành đóng trên địa bàn) đã ký xác nhận được hơn 17,31 triệu mũi tiêm (đạt 82,9%); hiện còn hơn 3,58 triệu mũi tiêm chưa ký xác nhận (chiếm 17,1%).
Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã phối hợp với Công an các cấp và đơn vị liên quan thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cập nhật vào nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia. Tính đến ngày 13/11/2023, 29/29 cơ sở khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe trực thuộc Sở Y tế hoàn thành đăng ký tài khoản liên thông trên Cổng giám định Bảo hiểm y tế; liên thông và ký số thành công 90.524 hồ sơ, trong đó liên thông tự động API 15.904 hồ sơ, cập nhật thủ công 74.620 hồ sơ.
Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành đăng ký tài khoản và sẵn sàng liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử lên cổng Giám định Bảo hiểm y tế; có 59 cơ sở khám, chữa bệnh phát sinh dữ liệu và liên thông dữ liệu giấy chứng sinh lên Cổng giám định Bảo hiểm y tế, với tổng số 41.095 hồ sơ. Đến nay, 60/71 đơn vị triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (đạt 84,5%). Việc khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kios tự phục vụ được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Hiện nay, các bệnh viện được lựa chọn làm điểm đang phối hợp với công ty cung cấp giải pháp khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật, kết nối, triển khai thực hiện./.
- Từ khóa:
- Ngành Y tế
- cải cách hành chính
- Hà Nội