Sự đồng hành, hỗ trợ của nhà trường và gia đình sẽ giúp các em vượt "vũ môn", đạt kết quả tốt trong kỳ thi cuối cấp quan trọng.
TTXVN - Chỉ còn vài tháng nữa là đến các kỳ thi quan trọng, là chặng đường nước rút của học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các em sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp có ý nghĩa rất quan trọng, có tỷ lệ cạnh tranh cao, nhiều áp lực. Sự đồng hành, hỗ trợ của nhà trường, gia đình sẽ giúp các em vượt "vũ môn", đạt kết quả tốt.
* Kỳ thi tốt nghiệp nhiều thuận lợi
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ giữ ổn định về phương thức như năm 2023 với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn), 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Đối với học viên giáo dục thường xuyên, ngoài 3 bài thi độc lập, các em sẽ thi tổ hợp Khoa học xã hội với 2 môn Lịch sử và Địa lý. Như vậy, học sinh trung học phổ thông bắt buộc thi 4 bài để xét tốt nghiệp, bao gồm 3 bài thi độc lập và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp.
Em Trần Mỹ Thái An, học sinh lớp 12 Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết, thời điểm này, các em đang tập trung ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Ngoài giờ học chính, các em được tham gia các tiết học bồi dưỡng kiến thức, tập trung vào các môn thi của Kỳ thi.
“Hiện các trường Đại học cũng bắt đầu công bố đề án tuyển sinh nên em và các bạn đều đã có lựa chọn tổ hợp xét tuyển. Chúng em cố gắng vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa hoàn thành thêm các điều kiện để thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển đại học”, em Thái An chia sẻ.
Cùng với tăng cường ôn tập, đây cũng là khoảng thời gian học sinh lớp 12 chuẩn bị đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tại nhiều trường học đều yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tăng cường nhắc nhở học sinh về một số quy định không được phép quên, tránh trượt oan vì không thuộc quy chế hoặc đăng ký sai thông tin trong đơn đăng ký dự thi.
* Đồng hành, giảm áp lực cho học sinh
Năm học 2023 - 2024 là năm học cuối cùng học sinh lớp 9 thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Do đó, bên cạnh sự căng thẳng, áp lực về tỷ lệ chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ khoảng 60% tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, các học sinh lớp 9 còn đối diện với nỗi lo nếu chẳng may thi trượt, không học trường ngoài công lập thì sẽ phải thi lại vào năm sau. Tuy nhiên, từ năm học sau, các học sinh lớp 9 sẽ thi theo chương trình mới với các môn thi và nội dung có thể có nhiều khác biệt.
Ghi nhận tại một số trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội, các nhà trường đều dành sự quan tâm đặc biệt cho các học sinh cuối cấp. Các giáo viên, phụ huynh phối hợp, đồng hành cùng các học sinh để giúp các em ổn định tâm lý, tự tin bước vào kỳ thi.
Tại Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường đã lập tức ổn định nền nếp học tập cho học sinh, đặc biệt là các học sinh lớp 9. Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm vừa nhắc nhở, vừa động viên để các học sinh sớm trở lại phong độ, sẵn sàng cho giai đoạn nước rút.
“Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 158 học sinh lớp 9. Công tác ôn thi vào lớp 10 luôn được nhà trường xác định là nhiệm vụ xuyên suốt, được trao đổi thống nhất quan điểm với phụ huynh, học sinh để xây dựng kế hoạch từ sớm. Bên cạnh đó, nhà trường duy trì kiểm tra khảo sát thường xuyên để giúp các em nhận ra ưu nhược điểm của mình và kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung những kiến thức còn yếu, còn thiếu”, bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Tiến chia sẻ.
Có con học lớp 9A4, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), anh Phạm Hữu Kiên cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã dành sự ưu tiên tối đa cho các học sinh lớp 9. Sự trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh được tăng cường hơn, đảm bảo cả hai phía đều nắm bắt kịp thời mọi sự thay đổi về sức khỏe, tâm sinh lý, thái độ và kết quả học tập của từng học sinh.
“Con tôi chia sẻ rằng, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn các môn thi đều dành sự quan tâm, hỗ trợ cho học sinh trong lớp một cách nhanh nhất với trách nhiệm cao. Điều này đã khiến gia đình tôi cũng như các phụ huynh khác ý thức hơn trong việc đồng hành cùng con trong giai đoạn nước rút”, anh Phạm Hữu Kiên chia sẻ.
* Mong sớm công bố số môn thi lớp 10
Hiện toàn quốc đã có khoảng 20 tỉnh, thành phố công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, trong đó hầu hết đều tổ chức thi 3 môn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... Một số địa phương đã quyết định giảm số lượng môn thi còn 3 môn nhằm giảm áp lực cho thí sinh như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên thay vì nhiều môn như năm học trước.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cung cấp, theo kế hoạch trong tháng 3/2024, Sở sẽ công bố môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024 - 2025. Về phương thức tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập, năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn áp dụng phương thức thi tuyển, bao gồm ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn thi thứ tư (nếu có), sẽ được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học trong chương trình giáo dục trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với mong muốn giúp các học sinh có kế hoạch ôn tập chính xác, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội sớm thông tin về thời gian thi và số môn thi. Trong đó, phần lớn các phụ huynh và học sinh đều hy vọng Hà Nội sẽ chỉ tổ chức thi tuyển với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Anh Bùi Văn Tiến Dũng, phụ huynh học sinh lớp 9A4 Trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết, trong cuộc họp phụ huynh cuối học kỳ 1, hầu hết các phụ huynh lớp con anh đều mong các con chỉ phải thi 3 môn cho lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình sách giáo khoa cũ. Anh Dũng cũng cho rằng, thành phố nên sớm công bố số môn thi và lịch thi để gia đình và học sinh chủ động hơn cho việc ôn thi./.