Xây dựng Đảng

Đồng bằng sông Cửu Long đổi mới từ sức mạnh đoàn kết * Bài cuối: Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết

Các phong trào, cuộc vận động đã phát huy cao độ vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xã Phú Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới trên vùng biên giới huyện Giang Thành (Kiên Giang). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

TTXVN - Một trong những quan điểm nhất quán trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với xây dựng và phát triển đất nước nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng chính là phát huy hiệu quả khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết các dân tộc, tôn giáo tiếp tục được củng cố, tăng cường, phát huy, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Huy động sức mạnh tổng hợp

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 110/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Kiên Giang tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát động phong trào thi đua “Kiên Giang chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và hành động cụ thể của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 116/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 55 xã đạt nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Ngô Phương Vũ cho biết, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, MTTQ các cấp, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới người dân chủ trương xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Vừa qua, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Với nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn toàn dân tộc, tổ chức Mặt trận các cấp tỉnh Kiên Giang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân nhân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận và tổ chức thành viên phát động đã phát huy cao độ vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến hết năm 2023, tỉnh Sóc Trăng có 70/80 xã được công nhận nông thôn mới, trong đó có 20 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, có 75 xã nông thôn mới, trong đó có 45 xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng, để hoàn thành mục tiêu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Sóc Trăng xác định nhiều giải pháp trọng tâm. Tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh tổng hợp, tạo động lực xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững.

Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, Mặt trận các cấp và tổ chức thành viên trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, khơi dậy truyền thống, lòng tự hào, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân, góp phần cùng với Đảng, chính quyền thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện, phát huy hiệu quả mô hình gắn với triển khai cuộc vận động, phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Khu dân cư văn hóa nông thôn mới”, “Gia đình văn hóa nông thôn mới”…

Thiết thực đưa nghị quyết vào cuộc sống

Đường giao thông nông thôn ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Chú trọng giải pháp đổi mới tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua, cuộc vận động, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, để chủ trương, nghị quyết đi vào đời sống, trong đó có nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với vai trò của tổ chức MTTQ, công tác tuyên truyền, tập hợp các tầng lớp nhân dân đang được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở.

Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền. Các hình thức tuyên truyền qua nhóm Zalo, trang fanpage về mô hình tiêu biểu, người tốt, việc tốt, chia sẻ thông tin liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, sự kiện chính trị của địa phương thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân theo dõi. Thông qua chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải đáp thắc mắc về chính sách và có hỗ trợ kịp thời đến bà con.

Chủ động đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp sử dụng ứng dụng tiện ích nền tảng Web Internet (Google Sites) gắn với quét mã QR để xây dựng hai mô hình tuyên truyền. Đó là mô hình trang thông tin “Đoàn kết Tân Hiệp - Thư viện sách 4.0”, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Mô hình “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh 4.0” với nội dung tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản, giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như Bác Hồ với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, Bác Hồ với tôn giáo, Bác Hồ với nông dân... tạo thuận lợi để nhân dân tiếp cận thông tin.

Với góc nhìn từ cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) Võ Văn Đảo chia sẻ, xây dựng nông thôn mới là hành trình dài, không có điểm dừng. Trong niềm vui Gia Hòa 1 trở thành xã nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã xác định tiếp tục phấn đấu để Gia Hòa 1 trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền đến người dân chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Không ai khác, người dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được từ nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, với chủ trương, đường lối đúng, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận cao và cùng chung sức, đồng lòng thực hiện là nền tảng quan trọng xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả cao hơn ở xã Gia Hòa 1 thời gian tới./.

(Hết)

Trà Hiếu Hải - Hưng Phi

Tin liên quan

Xem thêm