Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy tốt vai trò trong công tác dân vận, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn nỗ lực, cần cù, sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, địa phương.
*Truyền cảm hứng làm giàu từ mô hình nông nghiệp tổng hợp
Trước đây, anh Đinh Lố (45 tuổi), người dân tộc Hrê tại thôn Trung Thượng, xã Sơn Mai chỉ biết nuôi trâu và bò thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được tham quan, học tập các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, anh đã đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua giống bò 3B để nuôi.
“May mắn tôi được đi tham quan nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do chính quyền các cấp tổ chức. Nhờ đó, tôi học hỏi được nhiều điều và đã quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Việc làm chuồng trại, dự trữ thức ăn và phòng bệnh đã giúp bò sinh trưởng tốt, anh Lố cho hay.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Lố còn đào ao thả cá, chăn nuôi hàng trăm con gà thịt. Anh còn trồng hơn 2 hecta cây keo và mở một cơ sở gò hàn tại nhà. Mỗi năm trừ chi phí, anh Lố thu về gần 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Đinh Lố còn tích cực tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ bà con địa phương mạnh dạn thay đổi mô hình kinh tế, vươn lên làm ăn, nâng cao đời sống.
Trước đây, gia đình ông Đinh Núi, thôn Trung Thượng là hộ nghèo. Tuy có diện tích đất rừng sản xuất lớn nhưng gia đình ông chưa tìm được hướng làm ăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Nhờ anh Lố hướng dẫn, ông Núi chuyển đổi 1.500m2 đất đồi trồng keo sang trồng cỏ chăn nuôi bò và trồng một số loại cây ăn quả, các loại cây kinh tế cao. Nhờ đó, gia đình đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo.
Nhận xét về anh Đinh Lố, Chủ tịch UBND xã Sơn Mai Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Anh Lố là người có uy tín của thôn Trung Thượng. Anh tích cực phát triển kinh tế gia đình và tận tình hướng dẫn áp dụng kỹ thuật mới cho bà con địa phương từ kinh nghiệm mô hình sản xuất của mình. Anh cũng thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân. Những năm qua, anh Lố đã vận động bà con hiến đất mở đường, góp công xây dựng 15 tuyến đường giao thông nông thôn. Với những đóng góp của mình, anh đã nhận được nhiều bằng khen của các cơ quan chức năng cấp tỉnh, xã.
*Giữ lửa đoàn kết, góp sức giảm nghèo
Còn ông Đinh Văn Điều (71 tuổi) được xem là “cây cao bóng cả” của làng Ra Manh, xã Sơn Tây. Ông không chỉ là người tiên phong cải tạo đất làm vườn rừng để trồng cây ăn trái, mà còn là tấm gương mẫu mực, có uy tín trong việc vận động bà con hiến đất xây dựng các công trình công cộng; làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, góp phần thúc đẩy, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Để phát triển kinh tế gia đình, ông Điều chuyển đổi diện tích đất trồng keo, sắn sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, chuối mật giống bản địa; đào nhiều ao trong vườn để nuôi cá. Hiện nay, ông có một trang trại tổng hợp gồm cây cau, cây ăn quả các loại và đàn bò 20 con.
Theo ông Đinh Văn Điều: “Để có thể sản xuất kinh tế đạt hiệu quả, trước hết bản thân cần kiên trì, chịu khó trước những điều kiện khó khăn trong sản xuất; phải nắm bắt thị trường, các mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng;lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương; tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất”.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Điều còn hướng bà con địa phương kỹ thuật trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm; đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân... Nhờ sự tuyên truyền, vận động, nêu gương của già Điều mà người dân trong thôn đã tích cực chuyển đổi diện tích sản xuất trồng keo sang trồng cây ăn quả, biết cách chăn nuôi.
Chủ tịch UBND xã Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm cho biết: Những việc chung của làng, ông Đinh Văn Điều đều hăng hái tham gia. Noi gương cha, con trai ông - anh Đinh Văn Công mới đây đã tình nguyện hiến 400m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. Dù tuổi cao, nhưng ông Điều luôn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình; thường xuyên đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Những việc làm của ông góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Ông Điều cũng được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen vì thành tích sản xuất kinh doanh giỏi và nhiều lần được các cấp, ngành, hội đoàn thể biểu dương, khen thưởng. Ông là tấm gương tiêu biểu để nhân dân địa phương học tập./.
- Từ khóa:
- dân tộc thiểu số
- kinh tế
- người có uy tín
- Quảng Ngãi