Pháp luật

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Thái Nguyên

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có 7 Chương với 73 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

TTXVN - Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ngày 4/10, tại tỉnh Thái Nguyên, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có 7 Chương với 73 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành luật, điều này cũng thể hiện quan điểm chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp các quy định của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật; đồng thời tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về mô hình tổ chức, quản lý, cơ chế, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; xác định những vấn đề bất cập, trọng tâm cần tháo gỡ để bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện thể chế phải “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo” và phải có cơ chế, chính sách đặc biệt cho những lĩnh vực đặc thù của công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung của dự thảo Luật như: Sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi của luật; vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; quản lý sản xuất quốc phòng, an ninh; chính sách cho người lao động trong cơ sở doanh nghiệp quốc phòng...

Ngoài ra, các đại biểu cũng mong muốn quan tâm một số vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất đặc thù của các đơn vị quốc phòng như: chính sách thu hút, giữ gìn đội ngũ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác quân y, nhà trẻ tại đơn vị quốc phòng; tăng chỉ tiêu tuyển công nhân viên quốc phòng…

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị đã được Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp thu, tổng hợp, gửi Bộ Quốc phòng để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét./.

Thu Hằng

Xem thêm