Chuyển đổi xanh trong du lịch không phải là lựa chọn mà là nhu cầu tất yếu để ngành phát triển lâu dài và có trách nhiệm với tương lai
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế tại Hà Nội 2025 – VITM 2025, diễn đàn “Phát triển điểm đến Xanh – Nâng tầm du lịch Việt Nam” đã diễn ra sáng 11/4, nhằm lan tỏa nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hành động thực tế trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch Việt Nam.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, thúc đẩy giao lưu văn hóa và là phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt… ngành du lịch phải chuyển mình mạnh mẽ. Chuyển đổi xanh trong du lịch không phải là lựa chọn mà là nhu cầu tất yếu để ngành phát triển lâu dài và có trách nhiệm với tương lai.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ: Nhận thức rõ điều này, từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Hiệp hội đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh - VITA GREEN có vai trò như mộtcông cụ đánh giá và ghi nhận sự chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Bộ tiêu chí được áp dụng trong 4 lĩnh vực trong hoạt động du lịch bao gồm: Điểm đến du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; doanh nghiệp lữ hành; cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch. Khi có những tiêu chí cụ thể, các điểm đến và các doanh nghiệp sẽ từng bước tự đánh giá, cải tiến và nâng cao năng lực thực hành xanh.
Chuyển đổi xanh trong du lịch là quá trình thay đổi ngành du lịch theo hướng bền vững hơn, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài. Các yếu tố chính trong chuyển đổi xanh gồm: Giảm phát thải carbon (sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày); tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường (hạn chế sử dụng nhựa một lần, tiết kiệm nước, điện, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ hệ sinh thái), phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch khẳng định: “Chuyển đổi xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra sức hút cho ngành du lịch, giúp doanh nghiệp tăng cường cạnh tranh và mang lại trải nghiệm tích cực cho du khách”.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Du lịch đóng vai trò là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Con đường nâng tầm du lịch Việt Nam thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là khát vọng mà là đòi hỏi tất yếu. Thời gian qua, UNPD hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành để tiên phong kiến tạo những điểm đến xanh, triển khai các dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch Việt Nam”. Kết quả thí điểm ở Quảng Bình và Quảng Nam cho thấy mức giảm sử dụng nhựa dùng một lần khoảng 40-55%. UNDP cam kết sát cánh, đồng hành với du lịch Việt Nam trên hành trình chuyển đổi du lịch xanh.
Phát triển du lịch xanh là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và là lá chắn bảo vệ thiên nhiên, văn hóa của Việt Nam cho thế hệ sau. Tuy nhiên, việc phát triển điểm đến xanh ở Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức do nhận thức chưa đồng đều giữa các bên liên quan, thiếu hụt cơ chế, chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được chú trọng đúng mức. Đặc biệt, thói quen tiêu dùng và hành vi du lịch của một bộ phận du khách còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Với mục tiêu xây dựng được bản đồ các điểm đến du lịch xanh Việt Nam, đáp ứng được các tiêu chí xanh, đảm bảo khai thác thiên nhiên và văn hóa theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững cần sự vào cuộc đồng hộ, quyết liệt từ nhiều phía: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư, du khách và toàn xã hội. Đặc biệt, truyền thông, báo chí cần phát huy vai trò nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và lan tỏa giá trị điểm đến xanh.
Tại Diễn đàn, các đại biểu chia sẻ ý kiến về xu hướng chuyển đổi xanh trong du lịch toàn cầu và tại Việt Nam; mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy du lịch không có rác; thí điểm áp dụng bộ tiêu chí, vai trò then chốt của truyền thông và công nghệ trong thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của du khách, đặc biệt những câu chuyện truyền cảm hứng từ những điểm đến, doanh nghiệp tiên phong đã dám thay đổi, dám đầu tư cho tương lai xanh./.
- Từ khóa:
- du lịch xanh
- bền vững
- kinh tế tuần hoàn
- VITM 2025