Chuyển đổi các hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng mô hình mới, đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp không gián đoạn là nhiệm vụ quan trọng.
Triển khai Nghị quyết số 57/NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và quyết tâm vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi hệ thống thông tin, đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp không gián đoạn.
Tập đoàn FPT đã thực hiện chuyển đổi thành công các hệ thống trọng điểm, bao gồm: Triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp cho tỉnh Quảng Ninh; nâng cấp Ứng dụng công dân số, phục vụ hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp sau sáp nhập cho Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai hệ thống công nghệ thông tin theo mô hình chính quyền hai cấp và sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế từ 01/07/2025 cho Bộ Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại; chuyển đổi hệ thống lõi Ngân hàng Nhà nước đáp ứng tinh gọn bộ máy và mô hình mới. Đây đều là các hệ thống quan trọng, có quy mô ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân và doanh nghiệp.
Từ ngày 1/7, ngành Thuế cần đáp ứng hai trụ cột cải cách lớn là vận hành mô hình tổ chức theo chính quyền địa phương hai cấp và sử dụng mã định danh thay cho mã số thuế. Tập đoàn FPT đã nâng cấp, chuyển đổi các hệ thống công nghệ lớn cho Cục thuế, các ứng dụng cho Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và gần 20 Ngân hàng thương mại sử dụng phần mềm phối hợp thu ngân sách nhà nước. Hàng chục triệu dữ liệu đã được chuyển đổi, 100 triệu người nộp thuế được xử lý thông tin. Ông Phạm Quang Toàn, Trưởng ban Công nghệ, Chuyển đổi số và Tự động hóa, Cục Thuế đánh giá, triển khai hệ thống công nghệ thông tin theo mô hình chính quyền hai cấp và sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế là những chính sách mới, khối lượng công việc rất lớn, áp lực không nhỏ nhưng khi vận hành thành công sẽ lại mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. FPT đã đồng hành cùng Cục Thuế tạo ra những giá trị tích cực phục vụ cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Với tư cách là đối tác công nghệ chủ lực, FPT đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phục vụ hành chính công, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thiết kế và triển khai mô hình mới. 80 cán bộ kỹ thuật của FPT được bố trí thường trực tại 54 đơn vị hành chính cấp xã, phường và đặc khu của tỉnh Quảng Ninh, tham gia xây dựng ba hệ thống lớn và trực tiếp hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương trong giai đoạn vận hành. Các hệ thống này bao gồm: Hệ thống trạm số hóa tích hợp ví danh tính cá nhân điện tử, Hệ thống lễ tân, xếp hàng trực tuyến quản lý tập trung và Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính thế hệ mới. Hệ thống được xây dựng an toàn, an ninh bảo mật cao, đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp tại cấp xã.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, FPT phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và các sở, ngành liên quan hoàn thiện việc tái cấu trúc cơ sở dữ liệu địa giới hành chính theo mô hình mới, cập nhật thành công dữ liệu của 300.000 dân cư và 168 đơn vị hành chính; nâng cấp chức năng phản ánh kiến nghị, cho phép người dân gửi phản ánh theo địa bàn quản lý mới và tích hợp quy trình xử lý liên thông 2 cấp chính quyền. Đồng thời, FPT triển khai chức năng tra cứu đơn vị hành chính và phát triển các ứng dụng tiện ích hỗ trợ người dân tra cứu dịch vụ công, hồ sơ đang xử lý, kết quả giải quyết... theo mô hình mới.Tại Thành phố Hồ Chí Minh, FPT phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và các sở, ngành liên quan hoàn thiện việc tái cấu trúc cơ sở dữ liệu địa giới hành chính theo mô hình mới, cập nhật thành công dữ liệu của 300.000 dân cư và 168 đơn vị hành chính; nâng cấp chức năng phản ánh kiến nghị, cho phép người dân gửi phản ánh theo địa bàn quản lý mới và tích hợp quy trình xử lý liên thông 2 cấp chính quyền. Đồng thời, FPT triển khai chức năng tra cứu đơn vị hành chính và phát triển các ứng dụng tiện ích hỗ trợ người dân tra cứu dịch vụ công, hồ sơ đang xử lý, kết quả giải quyết... theo mô hình mới.
Ứng dụng công dân số Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng duy nhất tích hợp toàn bộ dịch vụ công phục vụ người dân, giúp tương tác với người dân theo phân cấp mới, nâng cao trải nghiệm người dùng với chức năng thân thiện, dễ sử dụng. Toàn bộ dữ liệu trên ứng dụng được cập nhật chính xác, an toàn và an ninh bảo mật. Dự án cũng góp phần quan trọng trong việc củng cố vai trò tiên phong của Thành phố Hồ Chí Minh trong đổi mới mô hình quản trị đô thị hiện đại, đặt nền móng cho việc tích hợp các tiện ích đô thị thông minh và mô hình “Công dân số – Chính quyền số” trong giai đoạn tiếp theo.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gấp rút rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, với mục tiêu chuyển đổi hệ thống công nghệ lõi kịp thời nhằm đáp ứng mô hình bộ máy mới theo thời hạn 1/3/2025. Tập đoàn FPT cùng với Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước xây dựng các kịch bản chuyển đổi chi tiết; phối hợp chuyển đổi dữ liệu trên ba hệ thống chính là hệ thống ngân hàng lõi - Core banking, hệ thống quản lý và hạch toán kế toán các nghiệp vụ tài chính của Ngân hàng Nhà nước – ERP và hệ thống quản lý và phát hành kho quỹ tập trung của Ngân hàng Nhà nước - CMO.
Dự án đã hoàn tất đúng tiến độ, đảm bảo vận hành hệ thống ổn định với độ an toàn và bảo mật cao, phục vụ hiệu quả các hoạt động quản trị như an ninh tiền tệ, quản lý kho quỹ, thanh toán,... Đặc biệt, hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước – đóng vai trò là xương sống trong việc quyết toán các giao dịch kinh tế đã được nâng cấp thành công. Hệ thống hiện xử lý khối lượng giao dịch lên đến 830.000 tỷ đồng mỗi ngày, đồng thời đảm bảo độ chính xác tuyệt đối đến từng đồng sai lệch nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các báo cáo tài chính và quản trị quan trọng bậc nhất của Ngân hàng Nhà nước./.