Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức các đợt kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
TTXVN - Để chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Quảng Bình đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chung tay tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, xây dựng ngành Thủy sản ngày càng phát triển bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tỉnh Quảng Bình hiện là một trong các địa phương của cả nước có đội tàu cá phát triển mạnh với hơn 3.600 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, trong đó có hơn 1.100 tàu từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đạt 96% và cập nhật thường xuyên, đầy đủ số liệu tàu cá lên phần mềm dữ liệu nghề cá Việt Nam. Trong những năm qua, nghề cá Quảng Bình liên tục đạt mức tăng trưởng khá, sản xuất thủy sản tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng từ nền sản xuất sản lượng sang sản xuất giá trị. Tỷ trọng ngành Thủy sản tăng từ 23,6% năm 2011 lên 29,7% năm 2022; tổng sản lượng thủy sản năm 2022 gần 93.000 tấn và năm 2023 ước tính đạt gần 97.700 tấn.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tranh thủ các nguồn chính sách của Trung ương, huy động nguồn lực địa phương và nỗ lực của ngư dân để mạnh dạn đầu tư chuyển đổi nghề, đóng mới, cải hoán tàu vươn khơi cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất khai thác thủy sản theo hướng bền vững, giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển đảo của Tổ Quốc.
Đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương cấp bách tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu cho ngành Thủy sản Việt Nam, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức các đợt kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Trong 9 tháng của năm 2023, các đơn vị, sở, ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương trọng điểm về khai thác thủy sản tổ chức gần 70 hội nghị với khoảng 4.700 lượt người tham gia, tổ chức cho gần 5.000 lượt chủ tàu/thuyền trưởng tàu cá ký cam kết không vi phạm khai thác IUU; in, phát khoảng 14.000 tờ rơi, tờ dán, ép nhựa chống nước dán trên cabin tàu cá nhằm phổ biến, tuyên truyền người dân chấp hành các quy định. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương liên quan cũng đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện chống khai thác IUU theo phân công nhiệm vụ.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Để phát huy hiệu quả đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ các biện pháp về công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình. Đồng thời, các đơn vị bố trí nguồn lực để tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân; tập trung đẩy mạnh đánh bắt xa bờ gắn với thực hiện tốt các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định để chung tay cùng cả nước gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Tỉnh cũng đề nghị ngư dân quyết tâm, đồng lòng chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật trong khai thác thủy sản; ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ; tàu về bờ phải khai báo cập cảng; tàu ra khơi đánh bắt phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ cho tàu và thuyền viên; có thiết bị giám sát hành trình…, nhất là không khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Đặc biệt, mới đây, thực hiện Thông báo số 412/TB-VPCP ngày 12/10/2023 của Văn phòng Chính phủ, thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp, cùng chung tay tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Cụ thể, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; bố trí nguồn lực cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm và có cơ chế, chế độ động viên, khen thưởng phù hợp.
Các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng, cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá địa phương khai thác, đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục phân công cán bộ tuyên truyền, vận động trực tiếp chủ tàu thực hiện và giám sát, theo dõi, cập nhật hiện trạng hàng ngày đối với nhóm tàu cá; tổ chức giám sát sản lượng thủy sản qua cảng cá loại III, bến cá..., đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản.../.