Chính sách và phát triển

Động lực phát triển mới cho ba trụ cột kinh tế Bình Thuận

Bình Thuận

Bình Thuận đang có lợi thế rất lớn để phát triển khi có hệ thống giao thông đường bộ đồng bộ kết nối; đường biển, cảng biển và sân bay sắp đi vào hoạt động

Tuyến đường ven biển ĐT.719B có chiều dài 25,6 km với tổng mức đầu tư 1.274 tỷ đồng
Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Chiều 25/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số: Động lực phát triển mới cho ba trụ cột kinh tế Bình Thuận”.

Hơn 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương; các doanh nghiệp và các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết: Thời gian qua, công tác phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số nói riêng và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục và có những giải pháp phù hợp hơn.

Những đề xuất, khuyến nghị, chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về các giải pháp khả thi trong thực hiện ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số tạo động lực phát triển ba trụ cột kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Những kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp và kiến nghị được chia sẻ tại Hội thảo là những định hướng quý báu, góp phần giúp cho tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo
Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Bình Thuận đang có lợi thế rất lớn để phát triển khi có hệ thống giao thông đường bộ đồng bộ kết nối; đường biển, cảng biển và sân bay sắp đi vào hoạt động. Bình Thuận cũng là địa phương được biết đến với nguồn năng lượng sạch lớn và có ngành du lịch phát triển.

Các đại biểu, chuyên gia đã tập trung đánh giá thực trạng, tiềm năng, thế mạnh ở 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Các đại biểu cho rằng, Bình Thuận là nơi hội tụ cả những tiềm năng thiên phú và đan xen những thách thức phát triển. Việc quán triệt và cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường duy nhất để vượt qua điểm nghẽn hiện tại, mở rộng dư địa tăng trưởng và đảm bảo cho một tương lai phát triển nhanh, bền vững và tự cường. Đây không đơn thuần là một chiến lược dài hạn mà là nền tảng để kiến thiết một “hệ sinh thái phát triển mới”- nơi tri thức, công nghệ và dữ liệu trở thành tài nguyên then chốt, là một yếu tố năng lực nội sinh.

Trên cơ sở phân tích, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, cách làm hay để Bình Thuận đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số tạo động lực phát triển ba trụ cột kinh tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Ông Đỗ Phú Trần Tình, Viện phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Mỗi trụ cột kinh tế, Bình Thuận cần lựa chọn các sản phẩm chiến lược để tập trung ưu tiên phát triển. Trong việc phát triển các sản phẩm chiến lược này, khoa học công nghệ giữ vai trò như là chất xúc tác, là “ngòi nổ” tạo chuyển biến căn bản, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm địa phương.

Theo ông Đỗ Phú Trần Tình, Bình Thuận có thể khai thác tiềm năng và phát triển một số sản phẩm chiến lược như: Trung tâm logistics về năng lượng tái tạo của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trong chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản, nâng cao chuỗi giá trị và thu nhập cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chủ quyền biển đảo.

Trong trồng trọt, tỉnh cần tiếp tục nâng cấp chuỗi giá trị thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng cường chế biến sâu, gắn với phục vụ cho sức khoẻ và sắc đẹp, đồng thời đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp xanh và bền vững.Trên lĩnh vực dịch vụ du lịch, Bình Thuận cần tiên phong trong phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng số hóa toàn diện.

Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các đại biểu như: Các địa phương trong tỉnh cần xác định rõ sản phẩm chiến lược của từng khu vực, từng địa phương; cần đầu tư vào khoa học công nghệ chiến lược để nâng cấp chuỗi giá trị của sản phẩm chiến lược với sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương. Bình Thuận cần đặc biệt quan tâm đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài - từ các chuyên gia đầu ngành đến các kỹ sư công nghệ trẻ có tư duy đột phá…/.

Nguyễn Thị Hồng Hiếu

Tin liên quan

Xem thêm