Thái Bình: Quyết liệt thực hiện "kịch bản" tăng trưởng hai con số
Thái Bình, mảnh đất "quê hương lúa, cái nôi chèo" đang trỗi dậy mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tỉnh Thái Bình đã và đang quyết tâm thực hiện "kịch bản" tăng trưởng hai con số.
*Kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Trong 3 tháng đầu năm 2025, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Thái Bình được đánh giá cơ bản ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực. Tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh Thái Bình ước đạt 48.670 tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ. Trong đó, nông, lâm, thủy sản tăng 1,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 16,51%, dịch vụ tăng 9,82%. Trong quý I/2025, Thái Bình có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp diễn ra ổn định, các công trình trọng điểm được triển khai đúng tiến độ.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách của tỉnh Thái Bình đạt hơn 13.190 tỷ đồng, bằng 57,9% dự toán, tăng 149,1% so với cùng kỳ. Tổng vốn huy động toàn địa bàn đạt 140.182 tỷ đồng, tăng 5,97%. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận cho 58 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 4.824 tỷ đồng; trong đó, vốn FDI đạt 115 triệu USD. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi huyện Hưng Hà, kết nối tỉnh Hưng Yên, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.928 tỷ đồng. Đây là tuyến đường rất quan trọng giúp kết nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh lân cận thông qua tuyến đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, Thái Bình đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Trung ương. Các hoạt động văn hóa, xã hội được chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện, thiết thực, phục vụ tốt đời sống tinh thần của nhân dân.
*Tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển
Bước vào quý II/2025, tỉnh Thái Bình phải đồng thời thực hiện khối lượng công việc rất lớn về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, song tỉnh sẽ nỗ lực và quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu và kế hoạch đề ra. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo người đứng đầu các ngành, đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ dứt điểm những “điểm nghẽn”, nhất là tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, bảo thủ, trì trệ, máy móc, cứng nhắc trong thực thi công vụ; quan tâm giải quyết yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, giải quyết dứt điểm các phần việc như quyết toán dự án công trình, xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng…
Tỉnh rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 30/6, tăng cường các biện pháp giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung chỉ đạo quy hoạch, quy vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh, gắn liền với việc quy hoạch hạ tầng phục vụ sản xuất, mạng lưới chế biến nông sản. Tỉnh xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, nhất là thương hiệu gạo Thái Bình để có vị trí, tên tuổi trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra sử dụng đất, hoạt động khai thác khoáng sản và xử lý kịp thời các điểm “nóng” về môi trường nhất là các làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung; giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước theo hướng tạo môi trường, không gian hướng biển, lấn biển với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của tỉnh...
Thái Bình phấn đấu năm 2025, tăng trưởng GRDP đạt từ 10,5% trở lên; thu hút vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt trên 1,5 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 78,7 triệu đồng/người/năm; tạo việc làm mới cho trên 34.500 lao động... Đến năm 2030, Thái Bình sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm./.