Môi trường

Đồng Tháp: Giám sát, nâng cao chất lượng dự báo, chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Đồng Tháp

Mặc dù tỉnh Đồng Tháp nằm sâu trong đất liền, ít chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, tuy nhiên tình hình thiếu nước sinh hoạt, sản xuất có thể xảy ra cục bộ và tỉnh có nhiều giải pháp để đề phòng xâm nhập mặn.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2023 - 2024 do tác động của hiện tượng El Nino trên địa bàn tỉnh. Tại Đồng Tháp, các khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn thuộc 7 xã của 2 huyện Châu Thành (An Nhơn, Phú Hựu, An Khánh và thị trấn Cái Tàu Hạ) và Tháp Mười (Đốc Binh Kiều, Phú Điền, Thanh Mỹ).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trạng thái khí quyển và đại dương hiện đang trong điều kiện El Nino. Theo thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2023 - 2024 có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ ở một số khu vực; đặc biệt xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm, sâu hơn trung bình nhiều năm và tiếp tục duy trì ở mức cao. Lượng mưa các tháng mùa khô năm 2023 - 2024 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sớm và cao hơn so với trung bình nhiều năm, trong thời kỳ cao điểm vào khoảng tháng 2 - 4/2024 có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Mặc dù tỉnh Đồng Tháp nằm sâu trong đất liền, ít chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, tuy nhiên tình hình thiếu nước sinh hoạt, sản xuất có thể xảy ra cục bộ và tỉnh có nhiều giải pháp để đề phòng xâm nhập mặn.

Theo Kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp đưa ra các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình để phòng, chống hạn, mặn mùa khô; giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn bằng việc tăng cường quan trắc, giám sát nâng cao chất lượng dự báo mặn ở nhiều điểm đo độ mặn tại các huyện: Châu Thành, Tháp Mười và Cao Lãnh để kịp thời ứng phó khi phát hiện có độ mặn trong nước. Tỉnh khẩn trương triển khai công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn; ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt cho cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung …

Tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo tập trung triển khai công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Các địa phương tăng cường duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch bảo đảm hoạt động hiệu quả, gắn với giám sát quản lý vận hành công trình; ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Tỉnh yêu cầu quán triệt Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 do tác động của hiện tượng El Nino đến tất cả cán bộ, đảng viên ở các ngành, các cấp. Các địa phương, đơn vị huy động mọi nguồn lực để chủ động điều tiết, trữ nước thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí lịch thời vụ phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước; khuyến cáo người dân tính toán sản xuất phù hợp, có phương án dự trữ nước tưới ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới để tránh bị thiệt hại.

Tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh thực hiện các công trình cung cấp nước sạch, công trình thủy lợi tạo nguồn phục vụ phòng chống hạn, mặn và xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn mùa khô 2023 - 2024 để đảm bảo yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh./.

Nguyễn Văn Trí

Xem thêm