Mục tiêu đến ngày 30/4/2025, toàn tỉnh vận động và xây mới 250 cầu nông thôn. Mỗi huyện, thành phố xây dựng một tuyến đường kiểu mẫu.
TTXVN - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hải Quân cho biết, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Hội triển khai kế hoạch thi đua xây dựng giao thông nông thôn. Theo đó, Hội đề ra mục tiêu đến ngày 30/4/2025, toàn tỉnh vận động và xây mới 250 cầu nông thôn. Mỗi huyện, thành phố xây dựng một tuyến đường kiểu mẫu. Các công trình được xây dựng phải bảo đảm quy mô hợp lý, chất lượng và thẩm mỹ.
Kế hoạch thi đua gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 3 - 9/2023), khảo sát thực trạng, thống kê, lập danh sách công trình, thiết kế, lập dự toán trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổng hợp nhu cầu vốn, danh sách nhà tài trợ, phân công tổ chức, cá nhân xúc tiến vận động nguồn lực và tổ chức thi công công trình. Giai đoạn 2 (từ tháng 9/2023 - 4/2024), cao điểm thi đua, triển khai đồng loạt công trình đã được phê duyệt. Giai đoạn 3 (từ tháng 4/2024 - 4/2025), thi đua về đích, hoàn thành kế hoạch.
Năm 2022, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường các cấp trong tỉnh Đồng Tháp đã tham gia vận động và tổ chức xây dựng 103 cầu nông thôn, tổng chiều dài gần 2.500 m, trị giá hơn 57 tỷ đồng. Trong đó, nhà hảo tâm và người dân đóng góp trên 33 tỷ đồng, gần 10.000 ngày công lao động, hiến đất, vật kiến trúc… Huyện Châu Thành xây dựng được nhiều nhất với 43 cầu, tiếp theo là huyện Cao Lãnh 17 cầu. Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp có 13 đội thi công cầu đường thiện nguyện.
Năm 2022, không chỉ xây dựng công trình tại Đồng Tháp, các đội còn hỗ trợ ba tỉnh An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long xây dựng được 4 cây cầu. Chất lượng công trình bảo đảm, đa số các đội thi công cầu đường thiện nguyện sử dụng dầm và cọc công nghiệp để làm cầu; đường dẫn, đường kết nối, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông...
Trong 10 năm qua, Hội đã vận động và tổ chức xây dựng được 1.370 cầu bê tông cốt thép, tổng chiều dài hơn 35.730 m, giá trị trên 470 tỷ đồng (từ nguồn vốn xã hội hóa chiếm gần 76%). Nguồn lực tài trợ chủ yếu là của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước và bà con Việt kiều ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, từ năm 2013 - 2023, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường các cấp trong tỉnh đã triển khai xây dựng mới và nâng cấp 352 công trình đường giao thông nông thôn, chiều dài hơn 555 km. Tổng giá trị xây dựng các tuyến đường trên 324 tỷ đồng, trong đó nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 8,6 tỷ đồng, nhân dân địa phương đóng góp gần 64 tỷ đồng, hơn 19.000 ngày công lao động, qua đó góp phần đáp ứng đúng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng phát triển và đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới./.
- Từ khóa:
- Xây dựng
- Cầu nông thôn
- Đồng Tháp