Năm 2023, tỉnh Tiền Giang xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các cấp, ngành.
TTXVN - Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang Trần Văn Dũng, tỉnh tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số trên cơ sở Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2023, trọng tâm của công tác chuyển đổi số của tỉnh là tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình, doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số một cách rộng rãi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ cũng như thực thi công vụ. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các cấp, ngành nhằm tạo sự lan tỏa phong trào chuyển đổi số trên diện rộng, hướng đến đạt hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
Tiền Giang tập trung thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; có chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại địa phương; ưu tiên trên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, tài chính... Tỉnh chú trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp vào Khu Công viên phần mềm, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số sản xuất, cung ứng các sản phẩm số, các dịch vụ số lan tỏa chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chính quyền và nhân dân.
Cụ thể hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế số, Tiền Giang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang (TienGiang Trade). Tỉnh quan tâm tuyên truyền giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số (SMEDx) và tổ chức lớp tập huấn chuyển đổi số, kỹ năng số cho hơn 200 doanh nghiệp; thí điểm mô hình Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 51 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin; trong đó 44 doanh nghiệp, triển khai nền tảng số. Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa được giới thiệu tiếp cận, sử dụng các sản phẩm công nghệ số nhằm thuận tiện tham gia chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx của Quốc gia. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 84,50%; có 238.597 hộ sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm lên sàn thương mại điện tử... 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số dưới các hình thức như thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, quảng bá hình ảnh thương hiệu, ứng dụng họp trực tuyến...
Năm 2022, ước tính giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt hơn 8.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,59% GRDP của tỉnh. Kinh tế số đang phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế Tiền Giang. Tỉnh đang hướng đến mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 15% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.../.
- Từ khóa:
- Tiền Giang
- phát triển kinh tế số
- chuyển đổi số