Cần sớm hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn tập trung, xuyên suốt hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
TTXVN -Ngày 25/3, tại Hải Phòng, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Báo Lao Động tổ chức hội thảo "Hoàn thiện mô hình hoạt động công đoàn ngành xuyên suốt" hướng tới kỉ niệm 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.
Hội thảo là cơ hội đề xuất những giải pháp trọng tâm đưa hoạt động của tổ chức Công đoàn ngày càng hiệu quả, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của đoàn viên, người lao động trong ngành; đồng thời là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, hướng tới Đại hội VII Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Hội thảo cũng khẳng định sau 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam theo mô hình tập trung, xuyên suốt hoạt động đã chứng minh được tính hiệu quả của mô hình tổ chức, phù hợp theo yêu cầu tất yếu của phong trào công nhân, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng, đồng thời cũng thể hiện xu thế của công đoàn ngành nghề các nước trên thế giới.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" là "cơ hội vàng" để củng cố Công đoàn ngành.
Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động tập trung, xuyên suốt hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới là cần thiết, phù hợp với những công đoàn ngành có tính chất đồng nhất.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, sự ra đời của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam là tất yếu khách quan, phù hợp với giai đoạn phát triển của hệ thống ngân hàng. Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ngành nghề về ngân hàng, triển khai các hoạt động có hiệu quả, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, khẳng định được vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, là chỗ dựa tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động và không ngừng lớn mạnh cả về quy mô tổ chức lẫn chiều sâu về hoạt động công đoàn.
Theo ông Quách Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, trong thời gian tới, điều kiện và môi trường hoạt động của tổ chức công đoàn dự báo có những thay đổi quan trọng. Việc Việt Nam ký kết, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA,...), các công ước quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động nhiều mặt đến tổ chức Công đoàn, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn ngành nói riêng phải đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt là việc thực hiện vai trò đại diện người lao động, chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, để giải quyết các khó khăn, bất cập đang tồn tại, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn Lao động các địa phương thực hiện chuyển công đoàn các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo về Công đoàn Giáo dục Việt Nam quản lý. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có cơ chế, lộ trình phù hợp để Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thực hiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới...
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đánh giá các ý kiến từ nhiều đơn vị đã tập trung thể hiện nguyện vọng, mong muốn làm rõ nét mô hình hoạt động chuyên ngành để phát huy vai trò gắn kết chuyên môn với hoạt động Công đoàn. Mục tiêu chính vẫn là chăm lo đoàn viên và đảm bảo mục đích chính đáng của người lao động, đoàn viên trong tổ chức công đoàn, bởi tổ chức công đoàn nào cũng mong muốn thực hiện vai trò, sứ mệnh động viên, tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như làm tốt chuyên môn ở mỗi vị trí của mình./.
- Từ khóa:
- Hải Phòng
- hoạt động
- công đoàn ngành