An sinh

Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam

Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực như giảm nghèo, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ, trẻ em khuyết tật, trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc và bảo vệ trẻ em...

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hiền Hạnh/TTXVN)

TTXVN - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3) lần thứ 7, ngày 23/3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế "Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam".

Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các bộ, ngành, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, Hội, đoàn thể chính trị - xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở trợ giúp xã hội và các trường có đào tạo công tác xã hội trong nước và quốc tế; các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về công tác xã hội.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, công tác xã hội đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ và ngày nay đã trở thành một nghề chuyên nghiệp. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ những nhóm người yếu thế.

Với truyền thống của một dân tộc luôn biết đoàn kết, tương thân, tương ái, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh ngay trong quá trình phát triển và "không để ai bị bỏ lại phía sau". Các quy định của pháp luật và chính sách xã hội đã được ban hành như Bộ luật Lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Công tác xã hội là một nghề được khẳng định từ năm 2010. Hệ thống văn bản pháp luật về công tác xã hội đã từng bước được hoàn thiện, góp phần bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, giảm thiểu những rào cản, sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội.

Đặc biệt, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về việc lấy ngày 25 tháng 3 hằng năm là "Ngày công tác xã hội Việt Nam". Đây là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực như giảm nghèo, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ, trẻ em khuyết tật, trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, bạo hành và hỗ trợ thanh thiếu niên có vấn đề trong cuộc sống.

Nhận thức về vai trò, vị trí của công tác xã hội trong quá trình xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến ở nhiều cấp, nhiều ngành đã có sự thay đổi. Nhiều địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn. Số người được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ về công tác xã hội ngày càng tăng. Công tác truyền thông về nghề công tác xã hội được đẩy mạnh, giúp các ngành, các cấp và người dân có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của công tác xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội vẫn còn những tồn tại, bất cập nhưng khuôn khổ hành lang pháp lý về vấn đề này còn chưa được hoàn thiện. Mạng lưới các cơ sở công tác xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu và yếu về mặt chất lượng. Việc đào tạo công tác xã hội chưa chú trọng về thực hành. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế...

Ngoài ra, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, nhiều vấn đề xã hội đang tiếp tục nảy sinh cần được quan tâm giải quyết. Vì vậy, Ban Tổ chức mong muốn Hội thảo lần này sẽ nhận được nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết của các đại biểu nhằm góp phần đề xuất các quan điểm, chính sách góp phần hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý về công tác xã hội tại Việt Nam.

Chia sẻ về kinh nghiệm của quốc tế, bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nêu các ví dụ của các nước về việc đưa vào luật chuyên ngành với các chương riêng và điều khoản riêng. Ví dụ, Bộ luật Chăm sóc trẻ em của Nam Phi (2005) có nhiều khoản quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội để thực thi những nhiệm vụ bắt buộc đáp ứng nhu cầu của trẻ và đảm bảo duy trì phúc lợi cho trẻ.

Về vấn đề cho nhận con nuôi, Luật Con nuôi của bang Bristish Columbia (Canada) năm 2011, tại Phần 2, Khoản 3 có nêu rằng nhân viên công tác xã hội phải đánh giá gia đình của các cha mẹ nhận nuôi về khả năng đáp ứng của họ cho những nhu cầu của trẻ về tâm lý và tình cảm. Về hệ thống tư pháp, Bộ Luật Philippines 9344 (2005), Khoản 16 có quy định các cơ quan chính phủ phải có nhân viên công tác xã hội được cấp giấy phép để thực hiện nhiệm vụ như những cán bộ phát triển và phúc lợi để hỗ trợ trẻ vi phạm pháp luật...

Từ những kinh nghiệm của quốc tế, bà Lê Hồng Loan cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về phát triển công tác xã hội, trong đó có cả về luật khung và luật chuyên ngành; song song với phát triển các chương trình đào tạo nghề công tác xã hội. Theo đó, việc đào tạo cử nhân và sau đại học cần đáp ứng chuẩn mực quốc tế về đào tạo công tác xã hội. Chương trình cử nhân tập trung vào phần lý thuyết và các phương pháp công tác xã hội chung. Chương trình sau đại học tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu như công tác xã hội với trẻ em bị xâm hại, công tác xã hội với sức khỏe tâm thần, công tác xã hội lâm sàng, công tác xã hội trong bệnh viện...

Quá trình đào tạo phải kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Số giờ thực hành cần đủ để đáp ứng mức độ phức tạp về nhiệm vụ. Sinh viên tốt nghiệp phải có khả năng giải quyết các tình huống đơn giản phù hợp, đồng thời phải có người hướng dẫn để giải quyết các tình huống phức tạp. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo phải xây dựng dựa trên nhu cầu về vị trí việc làm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, nêu ý kiến xung quanh các vấn đề liên quan đến công tác xã hội và hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này, như: Rà soát chính sách pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực y tế; khuyến nghị phát triển dịch vụ công tác xã hội ở Việt Nam; tầm quan trọng của sự hợp tác với cộng đồng trong các dịch vụ bảo vệ trẻ em; nhu cầu và khuyến nghị phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội.../.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm